Cẩn trọng với những chiêu “lừa” khi mua đất nền

Nhiều khách hàng vì thiếu hiểu biết đã bị mất tiền oan khi tin vào công ty môi giới. Những doanh nghiệp (DN) bất chính không thiếu các “chiêu trò” nhằm lừa gạt khách hàng.

Nếm trái đắng vì tin môi giới

Vì tin tưởng công ty môi giới bất động sản mà nhiều khách hàng bị ăn chặn, kê chênh, mất tiền oan. Đa số nạn nhân là người lao động chân tay. Họ lam lũ, chắt chiu để có được mảnh đất với tâm lý “của để dành”. Nhiều người trong số họ phải thế chấp cả sổ đỏ cho ngân hàng. Mới đây nhất, gần chục khách hàng đồng loạt tố Công ty môi giới Kim Phát tự ý nâng giá đất so với giá gốc của chủ đầu tư. Việc làm của Kim Phát khiến họ mất oan số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng khi mua đất nền tại dự án Gold Hill (Đồng Nai).

Người mua đất cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ký hợp đồng mua bán

Chị Nguyễn T. H. N (ngụ Q.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết chị đặt cọc mua một nền dự án Gold Hill với giá 725 triệu đồng/100m2. Trước khi mua, nhân viên môi giới công ty Kim Phát thông báo đây là nền đã có sổ. Thế nhưng nhiều lần chị N yêu cầu xem sổ hồng thì đơn vị này chối quanh. Tuy vậy, chị vẫn tin lời và đóng số tiền hơn 200 triệu đồng cho sàn. Sau đó, chị H.N  mới tá hỏa  là nền đất này chưa ra sổ, không nằm trong giỏ hàng của chủ đầu tư gửi. Thế nhưng sàn vẫn tự ý rao bán cho khách hàng. 

Anh Trịnh Xuân Ch. cũng “ăn ngủ không yên” khi bị sàn giao dịch “ăn chặn” tiền chênh gần 80 triệu đồng so với giá gốc chủ đầu tư bán và không được nhận hợp đồng sau khi đã đóng hơn 200 triệu đồng. Đến khi biết được “sự thật”, anh đã yêu cầu sàn trả lại tiền nhưng không được giải quyết. Nhân viên sàn  còn có ý đồ hăm dọa…

Liên hệ với chủ đầu tư dự án Gold Hill là Công ty CP Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát (trực thuộc Tập đoàn Đất Xanh), ông Trần Công Luận, Tổng giám đốc Long Kim Phát giải thích DN đã ký hợp đồng môi giới với Kim Phát từ tháng 5/2016 để bán giai đoạn cuối dự án Gold Hill. Trong vài tháng gần đây, DN liên tiếp nhận được nhiều lời kêu cứu của khách hàng phản ánh Kim Phát thu tiền cao hơn hợp đồng, tự ý nâng giá và tư vấn sai lệch thông tin. Sau khi tìm hiểu, Long Kim Phát đã phát đi văn bản yêu cầu Kim Phát ngưng kinh doanh đối với dự án Gold Hill.

Trường hợp khách hàng mua nhà đất bị lừa bởi một số sàn giao dịch làm ăn chộp giật không phải hiếm thời gian vừa qua. Trước đó, vào năm 2013, tại phòng giao dịch BĐS Hai Bà Trưng, P.Tân Định, Q.1, hơn 30 khách hàng ở Q.9 ký hợp đồng mua đất dự án Mỹ Long 1 của Công ty Phúc Thịnh An. Tuy nhiên, sau đó sàn giao dịch này bỗng dưng đóng cửa. Tổng số tiền sàn giao dịch BĐS Hai Bà Trưng chiếm đoạt của khách là hơn 12 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, Công ty TNHH Sàn giao dịch BĐS Phương Trang của “kiều nữ” Phạm Thị Mai Phương đã lập âm mưu giả hợp đồng, phiếu thu tiền để lừa đảo khách kinh doanh nhà, đất dự án, chiếm đoạt  hàng chục tỷ đồng.

Những lưu ý tránh bị lừa khi mua đất nền

Những trường hợp đáng tiếc xảy ra như trên là bài học xương máu cảnh tình người  mua bất động sản. Ông Trần Công Luận cho rằng, để giảm rủi ro khi đi mua nhà, đất, khách hàng cần cẩn trọng lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất, người mua đất phải nắm bắt rõ về thông tin dự án, giá cả và phương thức thanh toán. Giá thanh toán trong bảng giá phải có dấu đóng của chủ đầu tư dự án chứ không phải bảng giá do môi giới đưa ra và tự đóng dấu.

Thứ hai, trước khi quyết định, khách hàng phải yêu cầu sàn giao dịch/chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý rõ ràng. Hồ sơ pháp lý bao  gồm giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, bản vẽ chi tiết, đồ án quy hoạch, giấy ủy quyền môi giới, giấy tờ liên quan đến nghĩa vụ tài chính như giấy nộp tiền sử dụng đất, thuế.

Thứ ba, khách hàng lưu ý, theo quy định mọi biểu mẫu, hợp đồng mua bán… đều phải được sàn giao dịch/chủ đầu cung cấp trước khi đặt cọc. Một số đơn vị có hành vi lừa đảo thường “dụ” khách hàng đặt cọc xong mới đưa biểu mẫu, hợp đồng mua bán là không đúng.

Tờ rơi là một trong những hình thức quảng cáo bất động sản phổ biến. Nhiều khách hàng khi nhận được tờ rơi luôn hoài nghi về tính xác thực của thông tin trong đó.

Theo luật sư Trương Thị Hòa (Văn Phòng Luật sư Trương Thị Hòa, P.Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM), sau khi nhận được tờ rơi cần tìm hiểu kỹ chủ đầu tư là đơn vị nào, nếu là DN không tiếng tăm trên thị trường BĐS cần kiểm tra, dò hỏi kỹ lưỡng bằng cách trực tiếp gặp người phụ trách tại địa chỉ giới thiệu trong tờ rơi. Riêng đối với giao dich mua bán, khách hàng phải xem kỹ các giấy tờ pháp lý liên quan đến dự án. Trường hợp không yên tâm, người mua nên đến UBND cấp quận, huyện để xem bản đồ quy hoạch. “Quan trọng nhất là trong mọi trường hợp, việc mua bán phải thể hiện bằng giấy tờ cụ thể, nêu chính xác giá mua bán, việc giao nhận tiền phải có biên nhận. Bạn không nên tránh né thuế bằng cách ghi giá mua thấp trong hợp đồng ký kết tại phòng công chứng”, luật sư Hòa nhấn mạnh. 

Phương Nga
Nhịp sống thời đại