Cho vay nông nghiệp, các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực hiện nghiêm túc

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc - lãi nhưng các ngân hàng thương mại ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ khoản vay mới.

Ảnh minh họa

Tham gia thảo luận tại Phiên họp của Quốc hội ngày 26/10, các đại biểu hầu hết đồng tình với đánh giá của Chính phủ báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018. Năm 2018, kết quả đạt được chủ yếu là toàn diện, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các thành phần kinh tế, tạo không khí phấn khởi lan tỏa trong toàn xã hội và được quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên qua nghiên cứu báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu cũng đã có những đánh giá, nhận xét và kiến nghị tới Chính phủ, trong đó có các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương của đoàn Quảng Bình nhận xét, hệ thống ngân hàng đã tập trung ổn định dự trữ ngoại hối, điều hành tín dụng tăng trưởng, chất lượng chính sách, hiệu quả chương trình tín dụng được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, sản phẩm ngân hàng ngày càng đa dạng, điều tiết tiền tệ hợp lý, khuôn khổ pháp lý về cơ cấu xử lý nợ xấu được hoàn thiện dần.

Trong khi đó đại biểu Mai Sỹ Diến của Thanh Hóa đề cập đến vấn đề hỗ trợ vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đại biểu, các chính sách chưa đi vào cuộc sống như chính sách về tín dụng, cả nước chỉ có 35 hợp tác xã được vay gần 70 tỷ đồng vốn từ ngân hàng thương mại không có tài sản bảo đảm, còn không ít hợp tác xã muốn vay thì các thành viên hợp tác xã phải thế chấp bằng sổ đỏ của gia đình mình nên chưa bảo đảm nguồn vốn cho hợp tác xã hoạt động.

Cũng theo đại biểu Mai Sỹ Diến, Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn quy định căn cứ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp để cho vay lưu vụ, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc - lãi nhưng các ngân hàng thương mại ở các địa phương thực hiện không nghiêm túc, đến hạn người vay phải trả xong mới lập hồ sơ khoản vay mới. Điều này cũng là nguyên nhân người vay phải vay lãi cao để trả nợ.

Đại biểu Vương Văn Sáng của đoàn Lào Cai thì nhận xét, hệ thống các tổ chức tín dụng đến nay đã được củng cố, nợ xấu được kiểm soát xử lý hiệu quả và duy trì ở mức 3%. Khẳng định việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 năm 2017 QH14, song Quốc hội đề nghị cần báo cáo thêm nợ xấu của Ngân hàng phát triển và Ngân hàng chính sách xã hội.

Nhóm PV

Theo Trí thức trẻ