Lợi nhuận ngân hàng Việt vừa bơi vừa… đeo tạ

Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tại nhiều hàng thương mại Việt Nam quý 3/2018 không hẳn tiêu cực...

Mặc dù đeo một mức tạ nặng hơn nhưng lợi nhuận tại những thành viên này tiếp tục "bơi" mạnh, với một tốc độ cao - Ảnh: Quang Phúc.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong tuần cao điểm công bố báo cáo tài chính quý 3/2018. Điểm chung, nhiều thành viên tiếp tục báo lợi nhuận tăng trưởng cao, nhưng nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh.

Đến thời điểm này, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn là thành viên dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận theo con số tuyệt đối: 9 tháng 2018 lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt mức của cả năm 2017, đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện hai thành viên thường được so sánh quy mô lợi nhuận với Vietcombank là Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2018.

Ở khối cổ phần tư nhân, về con số tuyệt đối, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) đang dẫn đầu với lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017.

Các thành viên bám khá sát vị trí này có Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB). Trong khi đó Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục cho thấy sự trở lại vị thế một thời, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 tăng tới 138% so với cùng kỳ 2017, đạt 4.776 tỷ đồng…

Trước đó, nhiều thành viên khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2018 với mức tăng trưởng cao, thậm chí tính bằng lần, như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Quốc tế (VIB); hay sắp tới đến lượt Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) dự kiến cũng có tốc độ tăng lợi nhuận ở nhóm đầu…

Từ trong năm 2017, nối tiếp hai quý đầu 2018, đến kỳ công bố này hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam tiếp tục tạo ấn tượng với quy mô lợi nhuận lớn và tốc độ tăng trưởng cao.

Điểm được chú ý đầu tiên ở lũy kế 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận các ngân hàng thương mại nói chung tăng cao trong điều kiện tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước xem xét nới như những năm trước.

Bù lại, nhiều ngân hàng thương mại báo lãi kỳ này cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu ngoài lãi. Với xu hướng này, lợi nhuận có triển vọng bền vững hơn.

Kỳ báo cáo này, lũy kế 9 tháng đã đủ đài để nổi bật lên một diễn biến: nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tại nhiều thành viên. Nói cách khác, lợi nhuận các ngân hàng đã và đang vừa bơi vừa mang một quả tạ nặng hơn.

Nhưng đó không hẳn là kết quả tiêu cực. Đặt trong bối cảnh và xu thế hoạt động, thực tế trên phản ánh chuyển biến tốt trong hệ thống.

Ngay tại thành viên dẫn đầu lợi nhuận hệ thống, Vietcombank đến cuối quý 3/2018 nợ có khả năng mất vốn đã lên 4.578 tỷ đồng, tăng tới gần 136% so với cuối 2017.

Tương tự, có thể thấy diễn biến tăng mạnh lên của nợ có khả năng mất vốn tại những thành viên khác: như ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%...

Như trên, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh không hẳn là tiêu cực. Bởi trước hết, mặc dù đeo một mức tạ nặng hơn nhưng lợi nhuận tại những thành viên này tiếp tục "bơi" mạnh, với một tốc độ cao.

Mặt khác, nợ có khả năng mất vốn thuộc nhóm 5, theo quy định đã được trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này ngân hàng sẽ chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.

Về tổng thể hoạt động ngành nói chung, giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về sau những năm "tạm gửi" hoặc lẩn khuất trước đây trên báo cáo tài chính, qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, qua bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Có thể thấy, những trường hợp có nhóm nợ trên tăng cao, cũng như sắp tới dự kiến có thể cũng thể hiện ở VietinBank và BIDV qua báo cáo tài chính công bố cụ thể, đều là những thành viên đã, đang thực hiện mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa nợ xấu về "một sổ".

Như tại VIB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2018 tăng tới 176% so với cùng kỳ năm trước, dù nợ có khả năng mất vốn lên hơn 2.002 tỷ đồng - tăng hơn 7% so với cuối 2017. Mà ở đây, VIB chú thích rằng, trong kỳ đã mua lại toàn bộ khoản nợ xấu từ VAMC gần 1.464 tỷ đồng.

Về mặt số liệu, nợ có khả năng mất vốn tại nhiều thành viên tăng lên có thể gây quan ngại nào đó. Nhưng, về các yếu tố cấu thành, về mức độ đã trích lập 100% dự phòng rủi ro, trong khi lợi nhuận vẫn "bơi" khỏe, thậm chí "bơi" nhanh hơn là một đặc điểm trong kỳ báo cáo tài chính này.

MINH ĐỨC