Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép

Trong các phiên thảo luận về KT-XH cũng như NSNN của kỳ họp thứ 6, Quốc hội XIV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra những băn khoăn xung quanh về đề đảm bảo an toàn nợ công cũng như chi trả nợ. Những băn khoăn này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giải đáp thấu đáo.

Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ

Thảo luận về vấn đề ngân sách nhà nước, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ lo ngại về vấn đề chi trả nợ.

"Nợ chúng ta phải trả tiền lãi vay và nợ gốc đến hạn hiện nay đang cao dần. Năm 2016 là 175.784 tỷ, năm 2017 là 255.000 tỷ, năm 2018 là 269.000 tỷ và năm 2019 ước là 326.042 tỷ. Như vậy thì nợ đáo hạn mà chúng ta phải vay để trả hay chúng ta gọi bằng từ đơn giản hơn là đảo nợ có xu hướng ngày càng tăng. Cho nên mặc dù chúng ta giữ được mức trần là nợ công/GDP là ở mức 61,4% tức là dưới 65% GDP, giữ được mức nợ Chính phủ là 52%, nợ nước ngoài thì đang sát trần nhưng mà khả năng trả nợ và nợ đến hạn đang ngày càng tăng. Chúng tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, Chính phủ cũng như Quốc hội phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn dự án nào, ưu tiên dự án nào để chúng ta đầu tư" - ĐB băn khoăn.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho ý kiến về vấn đề nợ công. Ảnh :quochoi.vn

Được chỉ định giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã làm rõ điều này.

Trước tiên, Bộ trưởng khẳng định băn khoăn của ĐB Trần Hoàng Ngân là đúng bởi 2 lý do. Một là, trong giai đoạn 2012-2014 trước tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 năm, 5 năm dẫn đến nhu cầu chi trả nợ gốc chủ yếu vào thời điểm hiện hành.

Hai là, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay ODA nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, so với mấy năm trước áp lực huy động cho ngân sách nhà nước bao gồm vay cho bù đắp bội chi và vay trả nợ gốc hay là vay đảo nợ đã giảm mạnh, cụ thể năm 2018 tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 363 ngàn tỷ đồng, trong khi năm 2014 lúc chúng ta khó như thế, chúng ta phải vay 1 năm là 441 nghìn tỷ đồng, năm 2015 là 447 ngàn tỷ đồng và năm 2016 là 389 ngàn tỷ đồng.

"Chúng tôi đã biết được điều này và đang phải điều hành để đẩy dần đỉnh nợ của năm 2019-2020, cũng như chúng ta đã đẩy thành công năm 2016-2017. Chúng ta đã từng bước xử lý được các khoản nợ còn treo ngoài ngân sách trước đây. Trong đó có khoảng 22.000 tỷ đồng nợ của bảo hiểm xã hội đã báo cáo Quốc hội, đưa vào nợ công và bố trí trả nợ dần cả gốc và lãi từ năm 2018" - Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo người đứng đầu ngành Tài chính, trong 3 năm 2016-2018 đã bố trí xử lý được 57,8% tổng số nợ xây dựng cơ bản, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2016-2020. Các địa phương đã xử lý được trên 90% nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tháng 1/2016 là 15,2 nghìn tỷ đồng đến ngày 31/8/2018 còn 1,3 nghìn tỷ đồng.

Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Năm 2018, 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm là Fitch và Moody’s đã lần lượt nâng hạng bậc tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB và BA3. Tháng 7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định tình hình tài chính công của Việt Nam trong trung hạn ở mức ổn định, rủi ro khủng hoảng nợ ở mức thấp.

Đề xuất giải pháp kiểm soát vay nước ngoài

Trong phiên thảo luận về các báo cáo NSNN, nhiều ĐB cũng có ý kiến trước chỉ tiêu nợ nước ngoài đã sát ngưỡng cho phép 50% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu: Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia bao gồm: nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu là vay ODA, vay ưu đãi cho các chương trình và dự án. Các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và của tổ chức tín dụng.

Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, như đã báo cáo, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% vào cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP của giai đoạn 2016-2018.

Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Theo đó, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10.9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018. Trong đó, bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018. Lúc nãy có vị đại biểu nói tại sao giải ngân lại tăng lên 2.000 tỷ? Báo cáo các đồng chí giải ngân của các khoản bảo lãnh trước năm 2018 chúng ta tiếp tục giải ngân năm 2018 cơ bản chúng ta không cấp bảo lãnh mới.

Riêng đối với nợ nước ngoài, tự vay, tự trả của doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 50% tổng nợ nước ngoài của quốc gia, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của công ty Việt Nam Beverage trị giá 4,8 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco. Chúng ta lại cộng vào khoản vay của nước ngoài, chúng ta cộng vào nợ nước ngoài quốc gia.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại.

V.V

 

Tin khác