Vắng Mỹ, Việt Nam hưởng lợi gì từ Hiệp định CPTPP?

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTTP) với sự vắng mặt của Mỹ, lợi ích mà Việt Nam được hưởng sẽ ít hơn hẳn so với Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đó.

Dù chỉ còn lại 11 thành viên, song tham gia Hiệp định CPTPP là điều cần thiết với Việt Nam. Ảnh: Internet

TS. Trần Toàn Thắng phân tích: Mỹ là trụ cột chính trong TPP. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước đều nhằm vào thị trường Mỹ khi tham gia thỏa thuận này. Việc thiếu Mỹ đương nhiên khiến cho tính toán của mỗi quốc gia trong TPP thay đổi.

Khi TPP còn có Mỹ, các phân tích cho thấy, Việt Nam được hưởng lợi rất tích cực như GDP tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về XK. Còn khi TPP không có Mỹ, con số này giảm đi rất nhiều.

 “Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy, Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số định lượng khi có TPP11. Chẳng hạn, với TPP11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP12 là 6,7%. XK với TPP11 tăng thêm 4%, trong khi TPP12 khoảng 15%. TPP11 làm tăng NK 3,8%, còn TPP12 tăng NK 10,5%. Điều đó có nghĩa so với TPP12, mức độ hưởng lợi của Việt Nam trong TPP11 giảm rất nhiều do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ”, TS. Thắng khẳng định.

Mặc dù vậy, theo TS. Trần Toàn Thắng, khi con số lợi ích mang lại cho kinh tế Việt Nam rất ít thì việc tham gia TPP11 cũng là điều đáng cân nhắc. Nếu không tham gia, khi các nước tập trung buôn bán với nhau trong TPP sẽ giảm buôn bán với Việt Nam. Trong khi đó, Việt nam bị mất cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru. Đây là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại.

 “Tôi cho rằng một số ngành như dệt may, da giày, một số ngành thâm dụng lao động khác Việt Nam vẫn được lợi, vẫn tăng XK trong khối TPP11. Chúng ta chỉ không được tăng lợi thế trên thị trường Mỹ thôi chứ không hoàn toàn mất thị trường Mỹ vì hàng Việt Nam vẫn đang vào Mỹ.

Ngoài ra, phân tích định tính cho thấy, có một yếu tố thuộc về cơ hội khi tham gia TPP11 mà khi không tham gia ta có thể bị thiệt. Đó là các nước thỏa thuận tham gia TPP11 đều có kỳ vọng biết đâu một vài năm nữa Mỹ trở lại. Khi đó lợi ích của Hiệp định này lại khá lớn cho Việt Nam”, TS. Thắng nói.

Liên quan tới lo ngại về hàng NK cũng như cạnh tranh trong nước khi tham gia Hiệp định CPTPP, theo TS. Thắng, nếu chỉ nhìn trên góc độ cắt giảm thuế quan thì không có ảnh hưởng nhiều. Các thị trường châu Á, Việt Nam đã có cam kết rồi, thuế quan NK sẽ tiếp tục bị cắt giảm, có hay không có TPP11 thì sức ép cạnh tranh từ hàng NK châu Á cũng vẫn sẽ tăng lên. Các nước bên kia Thái Bình Dương không phải là nguồn NK chính từ Việt Nam. CPTPP có tác động làm tăng NK, nhưng chủ yếu vẫn là từ các nước bên ngoài.

Đáp lại câu hỏi CPTPP liệu có tác động mạnh mẽ tới thể chế của Việt Nam như dự báo trước đây đối với TPP, TS. Thắng cho hay: “Theo tôi được biết, cơ bản các cam kết tại TPP12 chuyển sang TPP11 đều được giữ nguyên. Các nước chỉ đưa ra danh sách bảo lưu chưa thực hiện ngay một số cam kết thôi, cũng như có một số điều khoản sẽ được thảo thuận lại. Hiện tôi chưa có danh sách đó nhưng về mặt nguyên tắc tôi cho rằng sẽ chủ yếu là bảo lưu những cam kết có liên quan tới thị trường Mỹ cũng như các áp lực cải cách từ các thỏa thuận với Mỹ. Nếu như vậy, TPP11 vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam vì tác động của cải cách thể chế không chỉ là trực tiếp từ các cam kết, mà còn là gián tiếp".

"Phải nói ngay rằng ngay cả khi không có TPP11, Việt Nam đã mở cửa rất nhiều rồi. Các nước tham gia TPP11 không hoàn toàn là thị trường mới được tự do hóa của Việt Nam mà chỉ có 3 nước Peru, Mexico, Canada. Thêm được thì trường mới, đó là cơ hội cần phải tiếp tục tận dụng. TPP11 có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc. Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc tăng thêm sức ép từ TPP11 cho cải cách trong nước là cần thiết", TS. Thắng nhấn mạnh.

Thanh Nguyễn

Theo Báo Hải quan

Tin khác