Ngành thép rất rủi ro

Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), cho dù công ty ông đang có lợi nhuận (LN) tích cực. Cho đến trước năm 2016, chưa bao giờ LN của SMC chạm mức 3 con số (tức 100 tỷ đồng trở lên), nhưng chỉ trong nửa đầu năm 2016, SMC đã lãi 228 tỷ đồng. Ông NGUYỄN NGỌC ANH phân tích:

Ông Nguyễn Ngọc Anh

Tính đến thời điểm này, thị trường thép đang có 2 đợt sóng. Thứ nhất, từ đầu năm đến hết tháng 5 giá phôi thép tăng từ 270USD/tấn lên 410USD/tấn. Thứ hai, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, giá thép cũng diễn biến rất tích cực khi tăng thêm khoảng 10%. Với SMC, tôi vẫn thường xuyên nói trong các cuộc họp với các anh em rằng, mặc dù toàn thể CBCNV đã rất cố gắng, nhưng cần tỉnh táo nhìn nhận diễn biến giá thép trong thời gian vừa qua là rất hiếm gặp trong lịch sử, đừng quá ảo tưởng. Giá thép đi lên, trong kho có thép sẽ có lời, và điều này trong tương lai sẽ khó lòng lặp lại.

 Diễn biến giá thép trong thời gian tới sẽ có sự liên kết mật thiết với các yếu tố như tăng trưởng kinh tế thế giới (vẫn còn khá chậm); sự liên quan giữa giá thép và các loại hàng hóa khác như dầu, vàng và các kim loại kẽm, đồng, nhôm…; khả năng giá dầu giảm xuống dưới mức 40USD/thùng khá thấp; tăng trưởng của Trung Quốc cũng không còn cao như trước. Không có tín hiệu bi quan, nhưng cũng không thể lạc quan thái quá. Tôi nghĩ ngành thép từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì sự tích cực, nhưng cẩn trọng cũng không thừa.

PHÓNG VIÊN: - Phải chăng sự thận trọng của ông đến từ việc SMC đã lỗ nặng (202 tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2015? Cụ thể ông lý giải thế nào về việc SMC đã giảm hàng tồn kho xuống mức 80.000-100.000 tấn, trong khi năm 2015 có thời điểm hàng tồn kho và cả hàng mua trên đường về vượt mốc 200.000 tấn?

Ông NGUYỄN NGỌC ANH: - Việc giảm hàng tồn kho nằm trong chiến lược giảm nợ vay ngân hàng, giảm tổng tài sản, công nợ nhằm củng cố sức khỏe tài chính của SMC. Điều này rất cần thiết khi SMC vẫn đang trong giai đoạn đầu tư vào gia công, chế biến sâu các loại sản phẩm, đồng thời hợp tác với các đối tác nước ngoài, các nhà máy vốn FDI. Với các đối tác này, yêu cầu của họ không đơn thuần chỉ là năng lực sản xuất, mà còn là môi trường, khả năng quản trị, uy tín của DN… Song song với việc tìm kiếm LN, còn phải chuẩn bị các phương án bảo toàn được LN, mà việc giảm tồn kho, tiến hành mua nhanh, bán gọn là một giải pháp.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho có liên quan đến một loạt yếu tố khác. Chẳng hạn, khi mua một lượng lớn hàng tồn kho trong thời gian ngắn cần trả lời một loạt câu hỏi như: Nguồn tiền ở đâu? Mua ở đâu? Kho chứa, bến bãi như thế nào và cuối cùng là bán cho ai? Tất nhiên, khi giá thép lên không phải vấn đề quan trọng, bởi đặt trong bối cảnh khi ký hợp đồng mua và chốt giá thì giá thép tăng, nhưng đến khi hàng đang trên đường về giá thép giảm sẽ rất rủi ro.

- Theo ông những yêu cầu từ các đối tác khi ký kết với SMC như thế nào?

- Trước khi một nhà sản xuất công nghiệp ký hợp đồng để SMC trở thành đơn vị gia công hoặc cung cấp nguyên vật liệu, họ sẽ đến các nhà máy (coil center) của chúng tôi để khảo sát các yếu tố từ môi trường làm việc, an toàn lao động, khả năng tổ chức sản xuất, xử lý nước thải và cả xuất xứ của máy móc. Nói đơn cử, nếu máy móc đến từ những nước mà đối tác không thích hoặc không chấp nhận, dù nhà xưởng có sạch sẽ, an toàn cũng trở nên vô nghĩa. Ngược lại, nếu năng suất của các nhà máy hiệu quả, khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác tốt, nhưng môi trường không đảm bảo cũng không thể hợp tác với các đơn vị nước ngoài hoặc có vốn FDI.

Để đạt được những tiêu chí này không đơn giản. 10 năm trước khi xây dựng coil center SMC chuyên gia công thép lá, dù ban đầu chưa có khách hàng nước ngoài nhưng chúng tôi cũng đã chủ trương tổ chức sản xuất nghiêm ngặt. Nhưng vừa bước chân vào lĩnh vực gia công, kinh nghiệm chưa có, lại có ý định đầu tư theo chiều sâu nên rất tốn kém về mặt chi phí, thời gian trong khi nguồn lực là rất hạn chế. Để cân đối các yếu tố này không đơn giản, từ chỗ bán cho các đối tác trong nước đến nước ngoài đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Thời gian tới, SMC sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền tẩy, mạ kẽm cho các sản phẩm thép nhằm đa dạng hóa cũng như nâng cao chất lượng của chuỗi sản phẩm, và chúng tôi đã phải mất khoảng 2 năm để xây dựng kế hoạch, đệ trình đến các cơ quan quản lý.

- Vậy bối cảnh tiêu thụ thép của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua ghi nhận sự ấm lên của thị trường bất động sản, nhưng sự phân bổ cũng không đồng đều nên sản lượng thép dù gia tăng ở mảng này nhưng cũng không phải quá lớn. Hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng của nước ta vẫn còn đang khá lớn. Khi các dự án đầu tư xây dựng cầu, đường, bến, bãi liên tục được triển khai sẽ gia tăng sản lượng thép tiêu thụ. Ngành sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, đặc biệt là của nhóm DN FDI cũng đang phát triển khả quan cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng các loại thép tấm, thép lá. Xu hướng này sẽ còn được củng cố nếu các nhà sản xuất điện máy, điện gia dụng lớn trên thế giới thiết lập hệ thống nhà máy tại Việt Nam.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng, để trở thành đơn vị gia công, cung cấp thép cho các nhà sản xuất có quy mô toàn cầu là không đơn giản, do các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ máy móc, môi trường của họ là khá cao. Riêng SMC, chúng tôi cũng chỉ kỳ vọng gia công nguyên liệu cho các đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu để khẳng định chất lượng, uy tín rồi mới tiến đến hợp tác sâu hơn. Đối với thép xây dựng, thường nước nào sản xuất chỉ tiêu thụ ở nước đó. Còn với các loại thép khác như thép tấm lá, ống thép có thể kỳ vọng vào các thị trường xuất khẩu.

- Xin cảm ơn ông.

 

THÁI CA (thực hiện)

Nguồn tin: ĐTTC