Mọi tài sản cố định trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng (gồm biên bản giao nhận tài sản cố định, hợp đồng, hóa đơn mua tài sản cố định và các chứng từ, giấy tờ khác có liên quan). Mỗi tài sản cố định phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi tài sản cố định và được phản ánh trong sổ theo dõi tài sản cố định.
Hỏi: Doanh nghiệp của tôi thực hiện chế độ quản lý tài sản theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Hiện doanh nghiệp có phát sinh đầu tư hệ thống camera quan sát, thủ tục đấu thầu mua sắm và đưa vào sử dụng từ năm 2019 nhưng do quá trình sử dụng có lỗi nên chưa nghiệm thu thanh toán. Đến tháng 9/2022, nhà cung cấp mới khắc phục các lỗi để ký tiến hành nghiệm thu. Xin hỏi, chúng tôi tính khấu hao tài sản bắt đầu từ thời gian nào?
Trả lời: Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) như sau:
TSCĐ hữu hình mua sắm: Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): Là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: Lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm TSCĐ; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.
Mọi TSCĐ trong doanh nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng (gồm biên bản giao nhận TSCĐ, hợp đồng, hóa đơn mua TSCĐ và các chứng từ, giấy tờ khác có liên quan). Mỗi TSCĐ phải được phân loại, đánh số và có thẻ riêng, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ và được phản ánh trong sổ theo dõi TSCĐ.
Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại thông tư này và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.
Theo đó, việc trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng, doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tự quyết định thời gian trích khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.