Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong 5 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời, đúng, trúng, hiệu quả. Do đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong ngưỡng cho phép; nhiều định chế quốc tế lạc quan và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng trên 6%.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm
Sáng 8/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành liên quan để rà soát, nắm tình hình, đưa ra các giải pháp chủ động, tích cực, từ sớm, từ xa nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước.
Các đại biểu đánh giá, 5 tháng của năm 2024 đã đi qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn và có quan hệ kinh tế với Việt Nam đang hồi phục, song chậm và còn không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế Việt Nam; trong khi trong nước, nền kinh tế vẫn có những vấn đề nội tại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời, đúng, trúng, hiệu quả. Do đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong ngưỡng cho phép; nhiều định chế quốc tế lạc quan và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng trên 6%.
Bên cạnh những thuận lợi, các ý kiến cũng nhận định rằng thời gian tới kinh tế vĩ mô, lạm phát tiếp tục chịu áp lực trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới; sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế với Việt Nam; cũng như những diễn biến trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, giá vàng, giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước… Do đó, cần có giải pháp và có sự nỗ lực lớn của tất cả các cấp, các ngành để đạt mục tiêu đã đề ra.
Phân tích, đánh giá tình hình, Thủ tướng Chính phủ cho rằng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song với cách điều hành phù hợp, chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt cận trên, kiểm soát lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu đã đề ra (mục tiêu đã đề ra là tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và lạm phát từ 4-4,5%), ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chính sách tài khoá phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau, kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, chính sách tiền tệ chủ động
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, với quan điểm thể chế, cơ chế, chính sách cũng là nguồn lực, sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy định liên quan đầu tư công, hợp tác công tư, ngân sách, thuế… trên cơ sở đó để đề xuất ban hành một văn bản luật để sửa nhiều luật. Khẩn trương tổng kết các chính sách, cơ chế đặc thù. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Để đẩy mạnh tăng trưởng, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sát tình hình, kịp thời, hiệu quả, sử dụng các công cụ hợp lý, hiệu quả; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn, giảm lãi suất cho vay 1-2%, trong đó phát huy vai trò của 5 ngân hàng thương mại nhà nước; tín dụng phải tập trung cho các động lực tăng trưởng; NHNN và Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân để có giải pháp phù hợp thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục thực hiện giảm phí, lệ phí, giảm phí đầu vào, giảm chi phí tuân thủ để hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2023 đã giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí… khoảng 200.000 tỷ đồng); đẩy mạnh tăng thu, nhất là bằng thu thuế điện tử, triệt để tiết kiệm chi. Giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tiếp tục nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán.
Tập trung giải ngân đầu tư công, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát huy vai trò của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; báo cáo Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh vốn từ nơi chậm giải ngân sang nơi có nhu cầu và làm tốt; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục; sớm có phương án điều phối, giải quyết dứt điểm vấn đề nguyên vật liệu san lấp thông thường cho các dự án hạ tầng; thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn lớn; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý về ODA, trong đó có việc sửa đổi các nghị định liên quan theo hình thức rút gọn.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Tập trung phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ); tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do đã ký; thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đồng thời nỗ lực sớm gỡ "thẻ vàng IUU"; đẩy mạnh thu hút khách du lịch. Quyết liệt triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; tăng cường công khai, minh bạch, giám sát kê khai giá, niêm yết giá theo quy định; không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý bảo đảm lương thực, thực phẩm dồi dào, đa dạng hóa nguồn cung. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu phải nhịp nhàng, hài hòa, tránh tăng giá cùng lúc. Đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức điều chỉnh học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh khi tình hình tốt, có dư địa điều chỉnh...