Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch xây dựng tỉnh không phải là vấn đề mới phát sinh mà đang thực hiện, bỏ cũng chưa an tâm...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Phúc.
Thực ra đó không phải là vấn đề mới, cách mạng nhanh quá có khi cũng nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng hồi âm ý kiến đại biểu cho rằng cần bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh.
Nên hay không nên giữ quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh cũng là vấn đề gây tranh cãi suốt quá trình thẩm tra, thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Chiều 24/10 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Tại tổ thảo luận số 10 gồm các đoàn Kiên Giang, Quảng Trị, Hà Nam, Bình Phước có mặt Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Trưởng ban soạn thảo dự án luật.
Góp ý đầu tiên, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật), đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết, trong 37 luật sửa lần này có 34 luật cơ bản thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Riêng còn nội dung sửa liên quan đến luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị còn có ý kiến khác nhau.
Với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, ông Sinh cho rằng không cần thiết có quy định phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Vì các nội dung quản lý, phân bổ tài nguyên đất đai đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh và được thể hiện bằng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện .
Hơn nữa nội dung này đã được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, ông Sinh nhấn mạnh.
Băn khoăn nhiều nhất của vị đại biểu là thành viên cơ quan thẩm tra nằm ở quy định về quy hoạch xây dựng tỉnh. Chính phủ giải trình rằng quy hoạch xây dựng tỉnh là để cụ thể hoá quy hoạch tỉnh, nhưng rất tiếc trong dự thảo luật lại không được cụ thể hoá, ông Sinh nhận xét.
Sự không cần thiết phải có quy hoạch xây dựng tỉnh, theo đại biểu Sinh còn ở chỗ, về mức độ chi tiết, theo thuyết minh phương án sửa đổi của Chính phủ thì nội dung quy hoạch tỉnh không bảo đảm mức độ chi tiết, do đó cần có quy hoạch xây dựng tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, mức độ chi tiết của quy hoạch tỉnh tương đồng mức độ chi tiết của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo quy định hiện hành, dự thảo luật này không thể chi tiết hơn được nữa, đại biểu Sinh nhấn mạnh.
Tóm lại, đại biểu Sinh cho rằng quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch đã kế thừa các nội dung hợp lý , mức độ chi tiết đã có, không cần thêm quy hoạch xây dựng tỉnh nữa.
Nếu 63 tỉnh thành đều làm quy hoạch này nữa thì lãng phí hàng ngàn tỷ đồng, nên bỏ quy hoạh xây dựng tỉnh, ông Sinh đề nghị.
Một số ý kiến khác cũng đồng tình với đại biểu Sinh.
Giải thích về việc Chính phủ kiên trì giữ quy hoạch xây dựng tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, lý lẽ của việc này là quy hoạch tỉnh chung hơn còn quy hoạch xây dựng tỉnh chi tiết hơn để ngành chuyên môn có cơ sở mà quản lý.
Nếu bỏ quy hoạch này thì ngành xây dựng không thể quản được chi tiết như cao độ, nền, cốt, thoát nước, cấp nước...Bộ Xây dựng cũng đã giải trình rất nhiều lần nhưng chung quy là để chi tiết hoá, cụ thể hoá để quản lý ngành, ông Dũng nói thêm.
Nhấn mạnh rằng quy hoạch xây dựng tỉnh không phải mới phát sinh mà vẫn đang thực hiện nên cơ sở để bỏ cũng chưa an tâm. Nếu bỏ ngay mà không có công cụ quản lý thì rất là nguy hiểm, Bộ trưởng trần tình.
Mong đại biểu Quốc hội ủng hộ cho quan điểm của Chính phủ, ông Dũng cho rằng thực hiện một thời gian nữa nếu thấy là bất cập thì khi đó bỏ cũng không có gì ghê gớm cả. "Vì tôi nhắc lại nó không phải vấn đề mới, đúng là Chính phủ hơi lấn cấn chỗ đó 1 chút thì mong đại biểu ủng hộ Chính phủ", ông Dũng trình bày.
Ở vị trí tổ trưởng điều hành phiên thảo luận, Bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị cũng đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết của quy hoạch xây dựng tỉnh.
Theo ông Nghị quy hoạch này cụ thể hơn, định hình được không gian phát triển, xác định được vị trí quy mô của các đầu mối hạ tầng kỹ thuật như trạm biến áp, cấp thoát nuóc, vị trí nghĩa trang... mà cụ thể hoá nhưng cái này rất quan trọng cho sự phát triển.