Thông tin đại gia bán lẻ Trung Quốc nhảy vào thị trường Việt Nam đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Không chỉ những nhà bán lẻ nội địa ngày càng có thêm nhiều sức ép mà hàng hóa Việt Nam có thể bị ra rìa trước sự đổ bộ mạnh hơn của hàng Trung Quốc.
M&A được xem là xu hướng cho các nhà bán lẻ Việt Nam khi thị trường trở nên vô cùng sôi động trong những năm gần đây. Điều đáng chú ý là không chỉ những đại gia bán lẻ Hàn Quốc, Thái Lan đua nhau nhẩy vào thị trường, mà còn có thêm sự xuất hiện của những doanh nghiệp Trung Quốc.
Mới đây, Miniso ký xong hợp đồng nhượng quyền để thâm nhập vào thị trường Việt Nam và công bố mở 12 chi nhánh tại các thành phố lớn trong năm nay. Người ta biết đến thương hiệu này như một công ty Nhật, song thực tế tổng điều hành, linh hồn của Miniso là ông Ye Guofu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công Aiyaya Co là một công ty từ Trung Quốc.
Tấn công từ siêu thị đến kênh online
Không chỉ Miniso, việc hãng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba mua lại Lazada với giá 1 tỉ USD để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng gây nhiều sự chú ý. Cũng bởi, nhiều khả năng Alibaba có thể thông qua kênh này để đưa hàng hóa Trung Quốc đổ bộ mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng xu hướng bán lẻ hiện đại luôn được ưu tiên, do đó việc các nhà bán lẻ ngoại liên tiếp nhảy vào thị trường thông qua nhiều hình thức sẽ diễn ra nhiều hơn. Trong khi đó, những điều kiện về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) hạn chế các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam đặt ra không mang lại tác dụng, nên cuộc cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, cũng rất khó để so sánh giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài, khi tiềm lực giữa hai khối này là khác nhau. Theo nhận định của Hiệp hội bán lẻ, mặc dù vẫn còn tiếp tục thực hiện ENT trong vòng 7-8 năm nữa, nhưng có vẻ ENT không còn trong thời hoàng kim nữa.Đặc biệt trong thời điểm hiệp định TPP sắp đạt được thì chỉ 5 năm nữa thôi, ENT sẽ không được sử dụng.
Không còn nhiều lá chắn, hãng Việt sẽ đấu thế nào?
Khi những hàng rào là lá chắn để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước không còn phát huy tác dụng, thì sức ép cạnh tranh cho các nhà bán lẻ và sản xuất Việt Nam lại càng gánh nặng hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi Việt Nam mất đi hệ thống phân phối, trong đó có cả kênh thương mại điện tử, thì không cẩn thận sẽ mất cả sản xuất và đi làm thuê.
Bởi nhìn vào tốc độ phát triển chóng mặt của Minoso tại Trung Quốc khi phát triển tới hơn 1200 cửa hàng chỉ trong 2 năm, đây là bài toán mà theo ông Phú là cần phải suy nghĩ. Việc kế thừa điểm mạnh của thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản, Miniso đã tạo thành hiện tượng tại Trung Quốc khi phủ kín hầu hết các thành phố lớn.
Trong khi đó, hãng thương mại điện tử Alibaba đã làm mưa làm gió tại kênh bán hàng trực tuyến này. Và việc hãng này bỏ ra 1 tỷ để mua lại Lazada – kênh thương mại điện tử có thị phần lớn tại Việt Nam, thì chuyện đưa hàng hóa Trung Quốc vào là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Rõ ràng, nhà sản xuất và bán lẻ Trung Quốc có thêm những kênh chính thống để đưa hàng vào thị trường.
Thống kê những tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại 14 tỉ USD từ thị trường Trung Quốc. Con số trên dù có giảm so với cùng kỳ nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam có thâm hụt cán cân thương mại nặng nhất hiện nay. Cụ thể, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt hơn 23 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
“Không có lý gì Thái Lan lại bỏ ra hàng tỷ USD để mua Metro và BigC, ai làm chủ hệ thống phân phối kể cả trên mạng và mạng lưới trực tiếp thì người đó sẽ thắng, chúng ta không nên chủ quan. Nói là hàng Việt 90% trên quầy, nhưng nếu bỏ hàng liên doanh thì hàng Việt Nam thực chất chỉ có 30-40% chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm tươi. Đây sẽ thêm một lời cảnh báo cho bán lẻ và sản xuất Việt khi Trung Quốc đổ bộ chính ngạch vào” – ông Phú nói.
N. An
Theo Trí thức trẻ