"Viettel có quan điểm là các dịch vụ cơ bản với nhu cầu con người thì làm sao để ai cũng dùng được. Ngân hàng di động là một dịch vụ cần phổ cập." - Ông Nguyễn Việt Dũng nói.
Sau hơn một thập kỷ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực viễn thông, Viettel đang có thay đổi lớn và bước sang những lĩnh vực mới mà dịch vụ tài chính cá nhân là một trong số đó. Ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ: “Chiếc điện thoại giờ như người trợ lý, nó không chỉ là chiếc điện thoại nữa”.
Giờ đây, người dùng di động có thể không cần dùng tới dịch vụ thoại hoặc SMS của nhà mạng nữa vì có thể sử dụng miễn phí với các ứng dụng OTT như Facebook, Viber, Zalo, Mocha… Ông nghĩ gì về điều đó khi Viettel là nhà mạng lớn nhất nên cũng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của sự thay đổi này?
Các ứng dụng OTT phát triển mạnh là chuyện bình thường bởi họ cung cấp một cách thức giao tiếp mới. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel phải thích ứng với điều đó. Doanh thu về thoại và tin nhắn của nhà mạng sẽ bị ảnh hưởng nhưng nhiều hay không là do bản thân mỗi công ty có tạo ra khác biệt cho dịch vụ ra sao.
Thứ nhất, nhiều nước đã đưa ra khái niệm là chất lượng gọi HD (trong suốt), nó thực sự khác với OTT. Thực ra, ở Việt Nam, gọi OTT cũng như nhưng ở dạng nghiệp dư thôi chứ không nhiều người gọi phổ biến.
Thứ hai, giá cước thoại giờ đã siêu rẻ. Như Viettel có gói là 150.000 đồng/tháng thì được cả nghìn phút tức là chưa đến 200 đồng/phút thì gọi luôn sẽ tiện hơn và cũng không hẳn đắt vì OTT sẽ tốn cước data nếu dùng 3G. Thêm vào đó, gọi OTT thì chỉ được giữa các SmartPhone với nhau và phải cùng bật ứng dụng lên một lúc với môi trường Internet.
Tuy nhiên, chúng tôi lại nhìn ứng dụng OTT ở một khía cạnh khác. Nó có tác dụng thúc đẩy việc sử dụng data, tạo ra những nhu cầu mới. Khi làm quen với môi trường đó, họ sẽ tiêu dùng data nhiều hơn, thông thạo Internet hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dùng và doanh thu data sẽ tăng.
Ở một số quốc gia, doanh thu của nhà mạng từ data chiếm tới 40-50%, đủ bù đắp cho thiếu hụt do dịch vụ thoại và SMS truyền thống bị suy giảm. Nói cách khác, OTT là cơ hội trong khó khăn và đó là con đường các nhà mạng sẽ phải đi.
Viettel công bố: “Thời điểm này nói đến di động là chưa đủ mà chúng tôi muốn hướng tới xây dựng một hệ sinh thái, một môi trường công nghệ đầy đủ hơn mà vẫn lấy khách hàng làm trung tâm”. Ông có thể giải thích cụ thể hơn về điều này?
Xuất phát điểm của các dịch vụ viễn thông mà Viettel cung cấp là điện thoại, đáp ứng nhu cầu giao tiếp cơ bản của con người – nói chuyện với nhau. Sau đó, Viettel phổ cập Internet – câu chuyện của học tập, giải trí, tìm kiếm và khám phá thế giới. Nấc tiếp theo đặt trọng tâm là thanh toán trên di động – phổ cập những dịch vụ tài chính cơ bản. Ở đây, khi làm bất cứ việc gì chúng tôi cũng nghĩ đến việc phổ cập.
Sản phẩm BankPlus 2.0 chúng tôi giới thiệu và dịp kỷ niệm 12 năm ngày thành lập là một phổ cập mới cho mọi người: Viettel muốn đem đến một phương thức thanh toán mới, giúp người dùng trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong thế giới số.
BankPlus cũng chỉ là một loại ví điện tử như các công ty khác, làm sao có thể nói là tạo ra sự phổ cập hay là một phương thức thanh toán mới được?
Thứ nhất, dịch vụ của chúng tôi rất thuận lợi khi đăng ký và sử dụng. Với các dịch vụ tài chính khác, họ sẽ gặp vấn đề của địa điểm - phải đi nhiều nơi mới gặp, còn Viettel thì có ở khắp mọi nơi. Ở đây, mạng lưới rộng khắp của Viettel chính là sự khác biệt, bạn có thể gửi tiền ở mọi nơi và rút tiền ở mọi nơi.
Hạ tầng của chúng tôi với hàng chục nghìn nhân viên ở các xã, 5.000 điểm giao dịch và có thể thực hiện tất cả các ngày trong tuần sẽ giúp khách hàng cảm thấy dễ dàng hơn.
Hiện nay, BankPlus đã kết nối trực tiếp với gần 40 ngân hàng ở Việt Nam và thực hiện thanh toán được hầu hết hóa đơn điện, nước, viễn thông. Ở đây, tôi xin lưu ý, ví điện tử cũng có chức năng thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông nhưng làm được một hai cái với việc làm được cả 100 cái là khác nhau về chất.
Cũng như ngày xưa thì ai cũng có di động nhưng với Viettel là phủ khắp mọi nơi cả miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng sa và có cả 3G cũng như vậy nữa thì sự khác biệt nhau rất lớn.
Thêm vào đó, ví điện tử khác cần phải dùng SmartPhone và cần môi trường Internet, BankPlus của Viettel thì không cần SmartPhone và cũng không cần môi trưởng Internet, chỉ cần sóng di động là đủ. Hơn nữa, dùng BankPlus 2.0 thì khách hàng không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn có ví điện tử, đây là điều chưa từng có ở Việt Nam.
Ở đây, tôi nhấn mạnh sự thuận tiện và rộng khắp là nhân tố khiến cho dịch vụ của chúng tôi sẽ phổ cập nhanh. Chúng tôi muốn phổ cập ví điện tử BankPlus cho cả người không có tài khoản ngân hàng.
Mức độ phổ cập nhanh của dịch vụ tài chính này có giống như việc phổ cập di động cho mọi người như đã làm trước đó với viễn thông hay không?
Viettel có quan điểm là các dịch vụ cơ bản với nhu cầu con người thì làm sao để ai cũng dùng được. Chúng tôi nhìn nhận BankPlus là một dịch vụ tài chính cơ bản mà ai cũng có thể sử dụng một cách thuận lợi: Ngân hàng di động là một dịch vụ cần phổ cập. Hiện nay, khách hàng dùng BankPlus khoảng 3 triệu, và chúng tôi đặt mục tiêu tăng gấp 3-5 lần hiện nay trong vòng 3 năm tới.
Như vậy có thể hiểu rằng, Viettel không còn đơn thuần kinh doanh dựa trên chiếc điên thoại truyền thống nữa. Ông có thể hình dung chiếc điện thoại sẽ được định nghĩa lại như thế nào?
Tôi nghĩ chiếc điện thoại giờ như một người trợ lý, trợ giúp cho người dùng. Vietttel cũng tạo ra các cơ chế để người dùng thấy nó không chỉ là điện thoại. Các sim của Viettel thay vì phải phát sinh cuộc gọi, nhắn tin mới là khách hàng thì nếu bạn dùng cho dịch vụ như BankPlus, đó được coi như một khách hàng riêng biệt.
Viễn thông giờ đã trở thành hạ tầng của các ứng dụng lớp trên và Viettel phục vụ cho các ứng dụng đó, khách hàng có thể tin cậy để sử dụng dịch vụ trên nền tảng này.
Ông Nguyễn Việt Dũng tại buổi họp báo kỷ niệm 12 năm Viettel kinh doanh dịch vụ di động.
Trước đây, các công ty viễn thông nói chung đều áp dụng chính sách chung cho mọi khách hàng nhưng giờ Viettel lại tuyên bố là “chính sách cho mỗi người”, điều này liệu có nói quá không?
Điều này bắt nguồn từ triết lý “mỗi khách hàng là một cá thể và một nhu cầu riêng biệt, cần được phục vụ một cách riêng biệt”. Về mặt công nghệ, giờ đây với việc nghiên cứu và thấu hiểu dữ liệu lớn (Big Data) của khách hàng, chúng tôi biết họ cần gì. Nhà mạng giờ đây có năng lực giống như Google, nếu bạn vào một trang web tìm kiếm thì sau này vào Google sẽ giới thiệu cái tương tự.
Nghiên cứu dữ liệu về quá trình sử dụng lâu dài của khách hàng giúp chúng tôi hiểu được thói quen và nhu cầu để giới thiệu và cung cấp những cái khách hàng cần, đặc biệt là đúng thời điểm. Với việc thấu hiểu khách hàng như vậy, Viettel có thể tạo ra hàng trăm nghìn các đề nghị khác nhau cho những người dùng của mình.
Bạn có thể thấy là chúng tôi có hàng trăm dịch vụ, nếu coi khách hàng là như nhau thì sẽ phải giới thiệu tới một lượng thông tin quá lớn đến họ và sẽ thành rác vì rất nhiều cái không phải là nhu cầu. Thực tế, với mỗi khách hàng, chúng tôi chỉ lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất để tư vấn, giúp họ không lạc vào ma trận.
Khách hàng không có nhiều thời gian và rất cần được tư vấn cái gần gũi nhất nhu cầu của mình và đặc biệt là sự tin cậy. Tất nhiên, tư vấn phải tốt nếu không chúng tôi sẽ phải trả giá bằng việc khách hàng rời bỏ mình.
Phổ cập viễn thông di động, giờ đến phổ cập dịch vụ ngân hàng di động, vậy tiếp theo đó sẽ là gì?
Chúng tôi sẽ đi vào những lĩnh vực không ai làm hoặc không có đủ nguồn lực để làm. Trước đây là việc phủ sóng 2G, 3G khắp mọi nơi, cả biển đảo, vùng núi mà còn chưa có điện; sắp tới 4G cũng sẽ khắp mọi nơi. Thực tế, phổ cập dịch vụ ngân hàng di động như BankPlus là việc mà không phải ai cũng có đủ nguồn lực để thực hiện.
Viettel sẽ tiếp tục xây dựng một nền tảng hạ tầng mạnh của viễn thông kết hợp CNTT như một cái ống lớn để nhiều ứng dụng lớp trên có thể chạy trên đó. Chúng tôi sẵn sàng là một nền tảng cho các doanh nghiệp, kể cả nhiều startup nhỏ dựa trên đó để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ đa dạng và tốt nhất.
Thực tế thì những dịch vụ như smarthome trong gia đình thì mình Viettel không thể làm hết được mà phải nhiều người khác cùng làm. Viettel sẽ xây dựng hạ tầng mạnh để cả xã hội cùng nhau đóng góp, phục vụ khách hàng.
Trở thành “cái ống lớn” để các ứng dụng lớp trên chạy trên đó nhưng ông có nghĩ tới việc Viettel sẽ không đủ sáng tạo và những công nghệ mới của ứng dụng lớp trên như các OTT sẽ khiến nhà mạng lớn nhất gặp nguy cơ hay không?
Thách thức đó hiện diện khắp mọi nơi và mọi lúc. Tuy nhiên, viễn thông có đặc điểm là các ứng dụng lớp trên phát triển vẫn phải dựa trên hạ tầng. Trên thị trường không có nhiều công ty đủ điều kiện làm hạ tầng nên nhà mạng luôn có vai trò quan trọng và để có thể vận hành thì phải đầu tư ngày càng lớn.
Nói vui thì doanh nghiệp viễn thông cũng không sợ thất nghiệp nhưng nếu ông chỉ làm như vậy thì vai trò sẽ giảm rất nhanh; điều đó kéo theo tăng trưởng, lợi nhuận sẽ trì trệ… Thực tế là doanh nghiệp viễn thông phải làm hạ tầng nhưng không thể dừng ở đó. Một công ty muốn phát triển muốn thực sự, đem lại các giá trị lớn hơn nữa thì phải bước ra ngoài câu chuyện hạ tầng./.
Minh Châu (Thực hiện)
Theo Trí thức trẻ