Chính sách tài khóa “ứng vạn biến” trong bối cảnh khó khăn

Nhằm ứng phó với khủng hoảng do dịch bệnh, hơn 3 năm qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp 530 nghìn tỷ đồng
Những chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí được thực hiện ngay từ năm 2020. Nhưng gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất phải kể đến năm 2022, được bắt đầu từ việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.

Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, đã miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách. Tính từ năm 2021 đến nay, tổng số miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí… lên đến 530.000 tỷ đồng. Năm 2023, tổng số thuế, phí được miễn, giãn, giảm ước khoảng 200.000 tỷ đồng, đến nay, đã thực hiện trên 130.000 tỷ đồng.
ó thể nói, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn chương trình nên nhiệm vụ của Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính là hết sức nặng nề. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ.

Cụ thể như: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022…

Năm 2023, để hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng, Quốc hội tiếp tục quyết định giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 10%.

Đồng thời, trong nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Quốc hội đã quyết định từ 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở... Những quyết sách này là động lực rất quan trọng cho kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch và là tiền đề dài hạn cho giai đoạn tới.

Nhiều thách thức điều hành thu - chi ngân sách
Trước nguy cơ sụt giảm nguồn thu, chi ngân sách năm 2023 được lập dự toán khá thận trọng. Theo nghị quyết về dự toán ngân sách 2023, Quốc hội quyết định tổng số thu NSNN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Trong đó thu nội địa là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, do những khó khăn của kinh tế năm 2023, việc hoàn thành dự toán thu vẫn là thách thức với ngân sách cả nước và ngân sách nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nguồn thu lớn từ đất đai và hoạt động kinh doanh bất động sản. Thách thức trong chi ngân sách là chi đầu tư vẫn thấp hơn so với kế hoạch.

Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản tiến độ thu NSNN vẫn đảm bảo dự toán, song thấp hơn so với cùng kỳ. Đây cũng là thách thức đối với ngành Tài chính trong triển khai nhiệm vụ từ nay đến cuối năm. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Sỹ Cường, chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân chậm. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn chưa thể giải ngân.

Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều giải pháp như ban hành nghị quyết điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tuy nhiên, tình trạng “no dồn, đói góp” của chi đầu tư ít thay đổi. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2023 - 2025.

Thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh thế giới phức tạp và nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, về cơ bản Chính phủ đã vượt qua thách thức và sẽ đạt được những thành công nhất định trong thời gian tới.

Đến năm 2024 - 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.

Tin khác