Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Trong đó, đối với Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự, bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Tài sản nhiều nơi, khó thi hành
Một trong những hạn chế của công tác thi hành án dân sự (THADS) là tỷ lệ tiền, tài sản thu được trên tổng số có điều kiện thi hành vẫn còn thấp, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng, bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và các khoản thu cho tổ chức tín dụng. Theo thống kê, hai nhóm việc này chỉ chiếm khoảng 4 - 5% lượng việc, nhưng chiếm trên 85% lượng tiền phải thi hành. Kết quả thi hành án của hai nhóm vụ việc này chỉ dưới 30% số có điều kiện.
Điều này, xuất phát từ đặc thù của các vụ việc về thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và vụ việc thi hành án về tín dụng ngân hàng. Đó là các nghĩa vụ thường gắn với việc phải xử lý rất nhiều tài sản, có vụ việc bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa hàng trăm tài sản để bảo đảm thi hành án; tài sản phải xử lý thi hành án nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trên địa bàn cả nước; nguồn gốc liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng phức tạp, thậm chí có tranh chấp với người thứ ba…
Trong trường hợp tài sản ở nhiều nơi, cơ quan THADS phải thực hiện xử lý đồng thời toàn bộ tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định (nhất là những vụ việc thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế) hoặc tài sản bảo đảm để thu hồi nhanh nhất tiền, tài sản cho Nhà nước, cho các tổ chức tín dụng, người được thi hành án. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan THADS không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự. Tức là phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới được ủy thác đến nơi có tài sản xử lý tiếp.
Điều này đã gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản, nhất là khoản thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng; giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản...
Chủ động, chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) Trần Thị Phương Hoa cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do Khoản 1, Điều 57 Luật Thi hành án dân sự mới chỉ có quy định cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) mà chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời tại các địa phương khác nhau.
Theo quy định trên, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.
Tháo gỡ vướng mắc này, Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản. Theo đó, việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.
Cùng với việc quy định rõ căn cứ, Luật này cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản như: Thực hiện việc ủy thác và nhận ủy thác xử lý tài sản; hồ sơ ủy thác; căn cứ để cơ quan nhận ủy thác áp dụng các trình tự, thủ tục xử lý tài sản; việc chuyển số tiền thi hành án thu được cho cơ quan nơi ủy thác thực hiện việc thanh toán tiền cho những người được thi hành án…
Cục trưởng Cục THADS tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Xuân Tùng cho hay, thực hiện quy định này, Cục THADS Thái Nguyên có thể sẽ được nhận ủy thác xử lý tài sản trong vụ án tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đối với phần tài sản đã kê biên trên địa bàn tỉnh. Để vừa bảo đảm đẩy nhanh tiến độ thi hành án vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, thì trong quá trình thi hành án, cơ quan ủy thác cần chủ động xây dựng kế hoạch, trao đổi và cập nhật thông tin cho cơ quan thi hành án nhận ủy thác.
Ngược lại, cơ quan nhận ủy thác cần phối hợp nhịp nhàng, thường xuyên thông tin về tài sản được ủy thác thi hành, quá trình thực hiện ủy thác về cơ quan thi hành án ủy thác. Bởi, khi tài sản ở nhiều nơi, tức là việc thực hiện ủy thác được tiến hành ở nhiều cơ quan THADS, nếu không chủ động, chặt chẽ trong kế hoạch ủy thác thì rất có thể dẫn đến việc thi hành án vượt quá phần nghĩa vụ của người phải thi hành án, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.