Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid – 19 diễn ra trên toàn cầu đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng.
Tác động của dịch Covid – 19 bắt đầu được ghi nhận từ giữa tháng 2/2020, đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 3 tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020 - khoảng thời gian cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách lý xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến trung tuần tháng 6/2020, thông qua quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, dịch Covid-19 vẫn đang còn tác động lớn, vốn cho vay tăng trưởng thấp.
Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tính đến 29/5/2020, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp nhất trong khoảng 15 năm gần đây. Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân, hộ gia đình quá thấp (mặc dù các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất, đồng thời tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh khâu kết nối ngân hàng – doanh nghiệp).
Mức tăng được ghi nhận là đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5/2020 nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Dự báo, trong các tháng 6,7 và 8/2020, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức thấp, tối đa cũng chỉ đạt 0,7% - 1%/tháng.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của các NHTM đang niêm yết đã công bố công khai cho thấy, trong quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của 18 NHTM niêm yết giảm 11,5% so với quý IV/2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018.
Cũng trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ lệ tạo mới nợ xấu của 18 NHTM đang niêm yết là 0,23%, tăng mạnh so với 7 quý trước và tương đương mức quý I/2018.
Những con số trên cho thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn và không có nhu cầu vay vốn. Vốn tín dụng của các NHTM không cho vay ra được như kỳ vọng.Các NHTM thực sự gặp khó khăn và điều đáng nói hiện nay là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những doanh nghiệp thực sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay. Ước tính, các phần hỗ trợ bao gồm cả hoãn nợ, giảm lãi suất, chi phí hệ thống ngân hàng sẽ phải chia sẻ khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng nguồn thu nhập, mức giảm lợi nhuận khoảng 25%.
Trong điều hành chính sách tiền tệ của năm 2020, NHNN tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng của các TCTD đến các lĩnh vực ưu tiêu của nền kinh tế theo định hướng của Chính phủ như: nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. NHNN cũng đã 2 lần quyết định giảm các mức lãi suất điều hành vào tháng 3 và tháng 5/2020; Đồng thời, tăng cường mở các hội nghị, tổ chức các diễn đàn kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, để mở rộng tín dụng an toàn cho nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 về thuế, về gói an sinh xã hội, về thủ tục hành chính, về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…
NHNN tiếp tục chủ động và linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng đối với một số NHTM đảm bảo cho vay an toàn, nghiên cứu sẽ tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào thời điểm phù hợp đối với các NHTM đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II, có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%
Đặc biệt, các NHTM kiên quyết không được hạ chuẩn tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay, bởi nếu chạy theo mục tiêu thu lãi thuần trong ngắn hạn sẽ tiềm ẩn nợ xấu về sau, phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn, lợi nhuận giảm.
Về phía các DN, cần khuyến khích DN có thiện chí hợp tác với các NHTM, xây dựng phương án vay vốn chặt chẽ, chứng minh dòng tiền dự án õ ràng, khả năng trả nợ có tính khả thi… Nếu DN thiếu thiện chí thì sẽ rất khó cho NHTM trong ký hợp đồng tín dụng, giải ngân vốn vay.