Trong nửa đầu tháng 8, hàng loạt công ty cổ phần đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành các quyết định xử phạt với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngày 15/8/2022, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Theo đó, phạt tiền 125 triệu đồng do Công ty này vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông. Được biết, trong năm 2021, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân. Đồng thời, phạt tiền 60 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn theo quy định pháp luật. Công ty này cũng bị phạt thêm 60 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Cụ thể, báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2021 của Công ty chưa trình bày đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về giao dịch giữa công ty với người có liên quan của công ty hoặc giữa công ty với cổ đông lớn, người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ trong năm 2021...
Trước đó, ngày 12/08/2022, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 569/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Theo đó, Công ty này bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật các tài liệu liên quan đến Báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2019 định kỳ 06 tháng kể từ khi kết thúc đợt chào bán vào tháng 01/2020...
Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông cũng bị phạt 125 triệu đồng do không công bố báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2019 được kiểm toán xác nhận tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc không thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận...
Trước đó, ngày 08/8/2022, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 217/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Seaside Homes (phường 6, quận 4, TP. Chí Minh) với số tiền 70 triệu đồng do CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Được biết, trong đợt phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022, Công ty này CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định tại Bản công bố thông tin về đợt chào bán trái phiếu, Phương án phát hành trái phiếu và Bản công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu đến nhà đầu tư, HNX.
Cùng ngày, UBCKNN cũng đã ban hành Quyết định số 557/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần cơ khí và khoáng sản Hà Giang (số 390 đường Nguyễn Trãi, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) với số tiền 150 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính CBTT sai lệch. Được biết, Công ty này CBTT sai lệch đối với số liệu các chỉ tiêu dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chi phí tài chính, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế tại BCTC năm 2020, năm 202.
Ngày 05/8/2022, Thanh tra UBCKNN ban hành Quyết định số 216/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Theo đó, phạt tiền 70 triệu đồng đối với công ty này do CBTT không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với: BCTC năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020.
Cùng ngày, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 554/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Theo đó, phạt tiền 100 triệu đồng do Công ty này không CBTT với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật đối với: BCTC bán niên soát xét năm 2021, BCTC kiểm toán năm 2021, Báo cáo thường niên năm 2021... Đồng thời, phạt tiền 150 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính CBTT sai lệch đối với BCTC năm 2020.
Ngày 04/8/2022, UBCKNN ban hành Quyết định số 552/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Krungthai Zmico Securities Company Limited (287 Silom Road, Bangrak, Bangkok, Thailand) với số tiền 120 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính không CBTT khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Được biết, ngày 27/4/2021, Công ty này mua 70.900 cổ phiếu của Công ty cổ phần Lai dắt và Vận tải cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: TUG), dẫn đến khối lượng nắm giữ sau giao dịch tăng từ 75.400 cổ phiếu (2,79%) lên 146.300 cổ phiếu (5,4185%), trở thành cổ đông lớn của TUG, tuy nhiên lại không CBTT với HNX về việc trở thành cổ đông lớn.
Cùng ngày, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 550/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương với số tiền lên đến 317,5 triệu đồng do vi phạm hành không CBTT đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật; CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật; Không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định pháp luật; vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này...
Đại diện UBCKNN cho biết, tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, UBCKNN sẽ đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. UBCKNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường...
Mới đây, tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ yêu cầu cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường, tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá. Đồng thời, dự kiến sẽ nâng cao mức xử phạt để tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm...