Họp đến tận nửa đêm, 11 quốc gia đạt được đồng thuận về nguyên tắc cho TPP-11

          

Đây là 1 thành tựu lớn cho 11 quốc gia đã dành nhiều tháng để cứu vãn TPP sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút lui ngay sau khi nhậm chức.

Sau nhiều tháng đàm phán, 11 thành viên còn lại của Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng về hiệp định này. Đây được đánh giá là 1 quyết định sẽ định hình tương lai của hoạt động kinh doanh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm tới.

Theo Nikkei, các bộ trưởng của nhóm các nước TPP-11 đã có cuộc họp kéo dài đến tận nửa đêm bên lề APEC và cuối cùng đã đạt được kết quả tốt đẹp. Đây là 1 thành tựu lớn cho 11 quốc gia đã dành nhiều tháng để cứu vãn TPP sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút lui ngay sau khi nhậm chức.

Hiệp định TPP mới sẽ có hiệu lực ngay sau khi tất cả các quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định. Đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã làm điều này.

Không có Mỹ, tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn rất nhiều. 11 nước còn lại chiếm 13.5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (con số lần lượt là 38,2% và 26,5% nếu có Mỹ). Tuy nhiên sự kiện này thể hiện các quốc gia châu Á Thái Bình Dương khẳng định hoạt động thương mại song phương chính là tương lai cho nền kinh tế.

Các cuộc đàm phán TPP được bắt đầu từ năm 2010, ban đầu chỉ với 8 quốc gia - Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Sau đó 3 quốc gia khác - Nhật Bản, Canada và Mexico - cũng yêu cầu tham gia.

Giờ đây trọng tâm của các cuộc đàm phán thương mại sẽ chuyển địa điểm sang Manila, Philippines, nơi 16 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) tổ chức cuộc họp lần thứ 21. Mặc dù nhiều khả năng sẽ không có thỏa thuận nào được đưa ra, những người ủng hộ tự do thương mại hi vọng rằng TPP 11 thành công bước đầu sẽ tạo ra áp lực buộc các thành viên kém hào hứng của RCEP chấp nhận áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn cho hiệp định gồm 16 nước này.

Tin khác