Kỹ năng cần có cho sinh viên kế toán

goài trau dồi chuyên môn, sinh viên có thể học thêm một số chứng chỉ, hoặc tham gia các hiệp hội nghề nghiệp để thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Ông Nguyễn Phan Anh Quốc - Giám đốc Kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young (EY) Việt Nam cho biết yêu cầu với ngành kế toán - tài chính ngày càng cao, do đó, sinh viên nên có kế hoạch trau dồi kiến thức, kỹ năng từ sớm để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Tại tập 9 chuỗi tọa đàm "UniPrep - Sắp vào đại học", ông chỉ ra, kỹ năng căn bản người làm nghề kế toán hay kiểm toán, tài chính phải tuân thủ những quy định, khung hình pháp lý của nơi làm việc. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Sai phạm trong mảng này của kế toán viên có thể để lại hậu quả ảnh hưởng đến 10 năm sau.

"Công việc kế toán cũng như nghệ thuật. Doanh nghiệp lãi hay lỗ phụ thuộc rất nhiều vào công việc hạch toán kế toán nên người làm nghề phải có giá trị về đạo đức", ông nói thêm.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, người làm nghề càng cần chú trọng kỹ năng này. Trước đây, hệ thống xử lý hoạt động pháp lý tại Việt Nam khá chậm chạp. Đến nay, với sự phát triển của công nghệ, quy trình chuyển đổi số quốc gia được thúc đẩy mạnh mẽ cả trong kinh doanh và chính quyền. Do đó, sự giám sát từ cơ quan Nhà nước cũng chặt chẽ hơn nhiều.

Lớp học trau dồi kiến thức và kỹ năng tại Đại học Kinh tế TP HCM. Ảnh minh họa: Viện ISB

Sinh viên kế toán cần trau dồi kỹ năng tuân thủ pháp lý, tính độc lập, năng lực công nghệ và học hỏi không ngừng. Ảnh: Viện ISB (chú thích lại nội dung ảnh. Là lớp học chuyên ngành gì của ISB)

Tương tự, doanh nghiệp càng phát triển, yêu cầu về quản lý nội bộ cũng ngày càng tăng. Điều này cũng tạo nên nhiều yêu cầu hơn cho kế toán viên. Nhân sự nghề này sẽ phải chịu áp lực từ ban lãnh đạo, cổ đông nên dễ gặp phải tình huống hạch toán kế toán theo nhu cầu của những bên liên quan. Vì vậy, kế toán - kiểm toán viên phải có tính độc lập.

"Giá trị đạo đức, tuân thủ pháp lý và tính độc lập giúp phản ánh đúng tình trạng của doanh nghiệp hơn là làm theo ý muốn của một người nào đó", ông Quốc nhấn mạnh.

Mặt khác, với sự kỳ vọng ngày càng cao, thay vì chỉ thiên về tuân thủ, kiểm soát, báo cáo tài chính, nhân sự còn phải biết cách làm sao để đóng góp vào công tác hoạch định cho doanh nghiệp. Theo đó, không chỉ phản ánh vấn đề đã xảy ra, kế toán viên còn phải có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, cung cấp thông tin cho người quản lý để đưa ra quyết định về mặt kinh doanh để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Trần Hồng Vân, Giám đốc tài chính - Tập đoàn Giáo dục Quốc tế nhắn nhủ sinh viên không nên để tâm lý căng thẳng về vấn đề này làm ảnh hưởng tới công việc. Nếu vững chuyên môn, các bạn trẻ hoàn toàn có thể nắm trong tay những kỹ năng cơ bản này.

Do đó, bên cạnh các yếu tố trên, người trẻ nên không ngừng cập nhật xu hướng, kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. Theo ông Vân, hiện, Việt Nam chưa có nhiều hệ thống kế toán ứng dụng công nghệ 4.0. Bởi lẽ, doanh nghiệp không thể ứng dụng một công nghệ quá tốt nhưng người dùng lại không biết cách sử dụng phần mềm. Ngược lại, việc sở hữu một đội ngũ có kỹ năng tốt để làm việc nhưng không có trang bị cũng là lãng phí với nguồn lực đang có. Tuy nhiên, rất nhiều buổi workshop đã đề cập tới vấn đề này.

Ông Trần Hồng Vân - Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, ông Nguyễn Phan Anh Quốc - Giám đốc Kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young (EY) Việt Nam và người dẫn dắt chương trình - PGS. TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB (từ trái sang). Ảnh: Chụp màn hình

Ông Trần Hồng Vân - Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, ông Nguyễn Phan Anh Quốc - Giám đốc Kiểm toán, Công ty TNHH Ernst & Young (EY) Việt Nam và người dẫn dắt chương trình - PGS. TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng ISB (từ trái sang). Ảnh: Chụp màn hình

Hai diễn giả đều khẳng định, sự phát triển của công nghệ có tạo nên thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội nếu người trẻ sẵn sàng đón nhận những điều mới, chịu khó học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng.

"Hãy chuẩn bị cho mình những kỹ năng tự học. Không ai được trang bị đầy đủ ngay từ đầu mà phải tự lập trong học tập, trau dồi. Điều đó sẽ giúp bạn tiến xa trong con đường đã chọn", ông Hồng Vân khuyên người trẻ.

Nếu muốn theo đuổi ngành kế toán - kiểm toán, sinh viên có thể chọn học thêm chứng chỉ được các hiệp hội nghề nghiệp như CPA , ACA, ACCA hay ICAEW công nhận. Thậm chí, hiện nay, các tổ chức này đã cho phép người chưa có bằng tốt nghiệp đại học hay không học những ngành liên quan có thể tham gia. Như vậy, sinh viên hoàn toàn có thể lấy chứng chỉ từ năm nhất.

Ngoài ra, thực tập tại các doanh nghiệp cũng là một trong những cách hữu hiệu để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Ví dụ như tại EY Việt Nam, công ty tuyển thực tập sinh từ khi các bạn học năm 2-3.

"Khi chọn được môi trường phù hợp để phát triển những kỹ năng và kiến thức liên quan đến ngành đó, tham gia diễn đàn, học thêm các chứng chỉ,..., các bạn đều có thể thành công trong nghề này", Giám đốc Kiểm toán của EY Việt Nam khẳng định.

Tin khác