(Dân trí) - “Sau 3 năm triển khai, đến nay chúng ta đã hoàn thành mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh. Theo thống kê của Kiểm toán Trung ương, trong 3 năm (từ năm 2016-2018), toàn thành phố chi hết 256 tỷ đồng cho việc trồng cây xanh”.
Đây là phát biểu đáng chú ý của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018, phát động năm 2019 của địa phương này diễn ra sáng 10/12.
Câu nói của ông Chung đã gieo lên những hy vọng và lạc quan với nhiều người - không chỉ riêng người dân trên địa bàn Thủ đô.
Một số độc giả của Dân trí cho rằng, với mức chi phí chỉ 256.000 đồng/cây xanh thì tính ra, chiến dịch này thực ra “rất rẻ”. Việc phủ xanh Hà Nội sẽ tạo ra bộ mặt mới cho Thủ đô và cải thiện đáng kể môi trường sống cho người dân ở đây. Họ bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Chung và với UBND TP Hà Nội.
Tuy nhiên, chuyện đáng mừng không dừng lại ở vấn đề “đắt” hay “rẻ” nói trên mà chính là ở chỗ lần đầu Chủ tịch UBND Hà Nội công bố số tiền chi trả cho công tác trồng cây suốt 3 năm qua.
Việc công khai là cần làm, bởi nói cho cùng thì có đắt hay rẻ, đó cũng tiền xuất phát từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Họ có quyền biết tiền thuế của họ đã được dùng cho những mục đích gì, lộ trình giải ngân, kết quả sử dụng ra sao. Trên cơ sở đó cũng đánh giá được hiệu quả các chương trình, dự án mà chính quyền địa phương đang triển khai.
Tuy nhiên, có vẻ như việc công khai tài chính – đáng ra là “đương nhiên” thì lại trở nên “hiếm thấy” ở các đơn vị, cơ quan Nhà nước.
Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp Nhà nước, vốn là đối tượng buộc phải công bố thông tin theo Nghị định số 81 năm 2015 của Chính phủ, thế nhưng sau 3 năm ban hành, không ít đơn vị vẫn cả gan “trái lệnh”, ngang nhiên vi phạm.
Ngay lúc này, độc giả có thể truy cập vào website chính thức các “ông lớn” Nhà nước và sẽ chẳng lạ nếu thu hoạch về “tay trắng” thông tin báo cáo tài chính, báo cáo lương thưởng lãnh đạo của những đơn vị này. Đặc biệt là, trong số đó có những tập đoàn, tổng công ty bị Kiểm toán Nhà nước “bêu tên” với kết quả kinh doanh thua lỗ, nợ nần lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Những thông tin đó không phải là “mật”, thực không hiểu họ “ém” để làm gì? Chẳng lẽ đây lại lỗi của bộ phận vận hành website, lỗi do bộ phận kế toán quên nhiệm vụ, hay bởi lý do nào khó nói? Chi tiêu có sổ sách đàng hoàng và minh bạch thì có gì phải giấu đâu?
Nghị định số 25 năm 2017 được Chính phủ ban hành đầu năm ngoái quy định rằng, từ năm 2018, báo cáo tài chính Nhà nước đầu tiên sẽ được lập. Trên đó, sẽ thể hiện tình hình tài chính Nhà nước (bao trùm toàn bộ các nội dung về tài sản Nhà nước, nợ phải trả của Nhà nước, nguồn vốn của Nhà nước); kết quả hoạt động tài chính Nhà nước; lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Đáng chú ý là dữ liệu thu thập và báo cáo có cả cấp địa phương và trung ương.
Độc giả có thể hình dung rằng, lâu nay chúng ta dễ dàng tìm kiếm, theo dõi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đại chúng thì nay Nhà nước cũng sẽ có một báo cáo tương tự. Tiền ra, tiền vào, hiệu quả sử dụng ra sao đều được thể hiện rõ ràng.
Thú thực, người viết đang rất chờ đợi đến kỳ báo cáo đầu tiên của các địa phương và của Chính phủ về những dữ liệu này. Đó không chỉ là sự chờ đợi về những con số thể hiện trên các bản báo cáo, mà hơn thế là xem tính tuân thủ của các đơn vị với quy định tại Nghị định này ra sao.
Hy vọng là sẽ không có đơn vị nào “chẳng may… quên” nghĩa vụ!