Quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia

Nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) được hình thành, bố trí từ ngân sách nhà nước (NSNN). Để phát huy hơn nữa vai trò của DTQG trong tình hình mới, bên cạnh xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về DTQG, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ DTQG..., ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn lực DTQG.

Phát huy vai trò của DTQG trong đảm bảo an sinh xã hội

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang, trong thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật về DTQG đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Điển hình như: Luật DTQG (Quốc hội thông qua năm 2012); nghị định hướng dẫn thi hành Luật DTQG. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN, quyết định phê duyệt quy hoạch, chiến lược, quy chế để quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn các hoạt động DTQG (kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chi cho DTQG; mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG; chế độ kế toán, thống kê DTQG, quản lý chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG; hợp đồng thuê bảo quản hàng DTQG)...

Bên cạnh xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, Tổng cục DTNN đã tổ chức triển khai xuất cấp kịp thời lương thực để hỗ trợ nhân dân, học sinh các địa phương vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và dự án trồng rừng.

Theo thống kê, đến ngày 25/11/2022, Tổng cục DTNN đã giao các Cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp 104.524 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân, học sinh các các địa phương, gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 13.959 tấn; hỗ trợ giáp hạt 10.370 tấn; hỗ trợ mưa lũ 3.738 tấn gạo; hỗ trợ cứu đói, mất mùa 432 tấn gạo; hỗ trợ học sinh 67.052 tấn gạo, gồm học kỳ II năm học 2021-2022 là 29.664 tấn gạo; học kỳ I năm học 2022 - 2023 là 37.388 tấn gạo (tiến độ xuất gạo hỗ trợ học kỳ I đến ngày 23/11/2022 đã xuất 24.997/37.388 tấn gạo, đạt 66,86% kế hoạch; số gạo còn lại triển khai xuất cấp đến ngày 31/12/2022).

Đồng thời, các Cục DTNN khu vực đã xuất 6.903 tấn gạo DTQG hỗ trợ cho nhân dân tại các dự án trồng rừng các tỉnh (Bắc Kạn, Thanh Hóa); hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 là 1.869 tấn gạo và viện trợ cho Philippines 200 tấn gạo để khắc phục hậu quả mưa bão.

Nhìn chung, việc sử dụng hiệu quả hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn ở mỗi thời điểm, thời gian khác nhau có ý nghĩa quan trọng, qua đó giúp Nhân dân các địa phương phần nào giảm bớt khó khăn, do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh gây ra; đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn...

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG

Để tăng cường nguồn lực DTQG và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Phố Giang cho rằng, thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách về DTQG bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng hàng DTQG; đồng thời, quản lý, sử dụng có hiệu quả định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG.

Tổng cục DTNN chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ nguồn lực DTQG được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách được huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn bố trí từ ngân sách nhà nước để xây dựng hệ thống kho DTQG theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng được đồng bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Đẩy mạnh và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng DTQG; rà soát, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý hàng DTQG, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ tại các bộ, ngành quản lý hàng DTQG trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Ngoài các nội dung trên, Tổng cục DTNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội về DTQG...

"Để nguồn lực DTQG đáp ứng nhanh, kịp thời mọi tình huống bất trắc xảy ra, việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG trong thời gian tới cần phải được đổi mới hiệu quả hơn, để DTQG thực sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang nhấn mạnh.

Tin khác