Thanh tra tài chính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với diễn biến dịch bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Kiến nghị xử lý tài chính 38.142.034 triệu đồng qua thanh tra chuyên ngành

Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã thực hiện 05 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 02 cuộc triển khai từ các kỳ trước chuyển sang, 03 cuộc thực hiện trong kỳ) gồm 04 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã phê duyệt, 01 cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 15.652 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện kiến nghị thu nộp NSNN 4.053 triệu đồng.

Trong thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 46.765 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả các cuộc triển khai từ kỳ trước chuyển sang); tiến hành kiểm tra 567.591 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 9.030 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 38.142.034 triệu đồng. 

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 07 cuộc thanh tra, hoàn thành thanh tra đối với 11 cuộc thanh tra triển khai kỳ trước chuyển sang. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 5.286.044 triệu đồng tại 15 đơn vị; trong đó: Kiến nghị thu nộp NSNN 471.292 triệu đồng; xử lý tài chính khác 4.814.752 triệu đồng; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 220 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp NSNN số tiền 128.923 triệu đồng (bao gồm 220 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính).

Như vậy, qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra còn giúp chấn chỉnh việc quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Điều chỉnh Kế hoạch thanh tra kịp thời, phù hợp với diễn biến dịch bệnh

Trong những tháng còn lại của năm 2021, Thanh tra ngành Tài chính sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được phê duyệt; đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra.

Thanh tra ngành Tài chính tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh Kế hoạch thanh tra kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị và diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... cũng sẽ được tăng cường nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.

Ngoài ra, thanh tra ngành Tài chính sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng. Qua đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận...

Tin khác