Thừa Thiên Huế dự tính sẽ đầu tư trên 6.600 tỷ đồng để xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung. Còn nhớ theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh này, ngành du lịch sẽ mang về 50% GRDP cho toàn tỉnh…
Theo quy hoạch ngành dệt may giai đoạn 2016 – 2020, Thừa Thiên Huế dự tính sẽ đầu tư trên 6.600 tỷ đồng để xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm dệt may của miền Trung.
Tỉnh sẽ tập trung phát triển tối đa thị trường nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu , lấy xuất khẩu làm mục tiêu cho sự phát triển của ngành.
Đồng thời, đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang; phát triển ngành gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và xu thế dịch chuyển lao động nông nghiệp nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm đưa lĩnh vực dệt may phát triển theo hướng bền vững và đảm bảo đủ nguyên phụ liệu sản xuất cho các doanh nghiệp, tỉnh đã phối hợp với Ban điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai Đề án "Phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Thừa Thiên Huế", với diện tích khoảng 400 ha, tại khu công nghiệp Phong Điền.
Nhiều doanh nghiệp ngành may tại Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy trong thời gian tới.
Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 khu công nghiệp với 50 doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, tổng cộng có tới 300 dây chuyền may và 500.000 cọc sợi. Trong đó, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có 10 doanh nghiệp (có 3 đơn vị Tập đoàn nắm cổ phần chi phối đó là: CTCP Sợi Phú Bài, CTCP Dệt May Huế và Nhà máy Sợi Phú Hưng) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo một quy hoạch ngành khác của Thừa Thiên Huế là Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch giai đoạn 2013 – 2030, tỉnh này đặt mục tiêu năm 2015, ngành dịch vụ du lịch đóng góp vào GRP địa phương trên 50%, năm 2020 đạt từ 52 - 53%, năm 2030 đạt trên 55% đóng góp vào GDP.
Thừa Thiên Huế cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉnh này trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực, đến năm 2030 trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.
Liên quan đến các dự án dệt may, năm ngoái, một thành phố giáp ranh Thừa Thiên Huế là Đà Nẵng đã từ chối 2 dự án FDI hàng trăm triệu USD do quan ngại môi trường.
Hai dự án FDI bị từ chối nằm trong lĩnh vực dệt nhuộm và dệt may có công đoạn nhuộm có khả năng gây ô nhiễm môi trường . Hai dự án này là của một tập doàn dệt may Hongkong và một công ty Hàn Quốc.
Bảo Bảo/ Trí thức trẻ