Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, chính sách thuế đối với bất động sản hiện hành đã cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu và sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới để phù hợp với sự phát triển của thị trường.
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển (thị trường vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động…) đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.
Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nhằm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó có chính sách thuế.
Hiện nay, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản đã cơ bản bao quát đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; sử dụng, khai thác bất động sản và chuyển nhượng bất động sản. Việc thực hiện các chính sách này trong thời gian qua đã góp phần tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho ngân sách nhà nước.
Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN), trong quá trình sử dụng, khai thác bất động sản, Luật thuế SDĐPNN hiện hành quy định thuế lũy tiến đối với đất ở (kể cả đất nền, đất xây dựng nhà biệt thự, nhà liền kề, nhà phân lô) để đánh thuế cao đối với trường hợp có nhiều nhà đất, cụ thể: 0,03% đối với phần diện tích trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức. Trường hợp có nhiều thửa đất ở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải cộng tổng diện tích các thửa đất ở chịu thuế để xác định theo biểu thuế lũy tiến từng phần nêu trên đối với phần diện tích đất vượt hạn mức.
Theo Bộ Tài chính, quy định nêu trên đã góp phần tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ về đất, khuyến khích phát triển thị trường bất động sản minh bạch, bền vững. Tuy nhiên, thuế suất tại biểu thuế SDĐPNN hiện hành còn thấp. Đồng thời, pháp luật thuế hiện hành chưa điều tiết đối với nhà trong quá trình sử dụng.
Về thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, hiện hành, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản đã được quy định tại các Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, mức thuế suất thuế TNDN 20% trên thu nhập được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và không áp dụng chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với chuyển nhượng bất động sản; đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức thuế suất 2% trên giá bán từng lần.
Trường hợp không xác định được giá bán hoặc giá bán ghi trên hợp đồng thấp hơn mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế áp dụng theo mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng.
Bộ Tài chính cho biết, thực tế thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản trong thời gian qua đã phát sinh tình trạng doanh nghiệp, cá nhân thực hiện hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai giá chuyển nhượng trong hồ sơ khai thuế thấp hơn nhiều so với giá thực tế mua bán nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế của Nhà nước.
Để giải quyết thực trạng này và tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên thị trường, từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước về bất động sản, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi kê khai giá chuyển nhượng không đúng với thực tế cũng như hành vi trốn thuế; nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản trên thị trường mua bán.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, rà soát các Luật thuế để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới, hiện Bộ Tài chính đang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật thuế (trong đó có các chính sách thuế liên quan đến bất động sản).
Trên cơ sở tổng hợp vướng mắc, bất cập của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến bất động sản và tổng hợp nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.