Thực tập là cơ hội để bạn vận dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế và cọ xát với môi trường làm việc. Kỳ thực tập là trải nghiệm quý giá cho bạn nhiều kinh nghiệm và kỹ năng từ những va vấp đầu tiên trong công việc, giúp bạn trưởng thành hơn. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự biết cách tận dụng kì thực tập của mình như một cơ hội mà lại làm hỏng nó vì 7 sai lầm sau:
1. Thụ động
Nhiều bạn sinh viên khi đi thực tập vẫn giữ thói quen “chờ được giao task (việc) cho mình” như khi còn ngồi trên giảng đường. Điều này là hoàn toàn không nên. Bởi các nhà tuyển dụng thường chú ý đến những ứng viên có tính sáng tạo, dồi dào ý tưởng và sẵn sàng chia sẻ ý tưởng đó cho công ty. Về lâu về dài, những “người khởi xướng” sẽ có khả năng trở thành người lãnh đạo nhiều hơn. Hơn nữa, đối với mỗi cá nhân, rèn luyện lối tư duy chủ động sẽ giúp ích rất nhiều trong công việc sau này.
2. Bỏ qua cơ hội rèn luyện kĩ năng giao tiếp
Đôi khi, vì chăm chăm vào việc tích luỹ kinh nghiệm cho mình mà các bạn thực tập sinh quên mất một cơ hội và gần như là mục đích chính của mỗi kì thực tập – Rèn luyện kĩ năng giao tiếp. Với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp. Ở mỗi môi trường lại có những văn hoá làm việc khác nhau, vì vậy các thực tập sinh cần chú ý để giữ thái độ hoà nhã với các thành viên còn lại.
3. Quá nhút nhát
Đừng vì “dĩ hoà vi quý” mà các bạn không dám nói lên ý kiến cá nhân của mình. Một tập thể luôn rất cần đa dạng những nguồn ý tưởng để giúp công việc cải thiện nhanh chóng và cấp trên (trong hầu hết trường hợp) đều lắng nghe ý kiến của mọi người. Chỉ cần chú ý, bày tỏ ý kiến với thái độ hoà nhã, lịch sự.
4. Phản hồi chậm
Các bạn sinh viên ít có thói quen check mail nên hay “bị lỡ” hoặc “quên không check” email dẫn đến sự chậm trễ trong giải quyết công việc. Điều này đôi khi sẽ làm xấu đi hình ảnh của bạn trong mắt các nhà quản lý, thể hiện mức độ gắn kết không cao đối với công việc. Vì vậy, hãy chú ý check hòm thư ít nhất 1-2 lần/ngày, trả lời nhanh nhất có thể và lặp đi lặp lại thói quen này ít nhất là trong suốt kì thực tập.
5. Không chuyên nghiệp
Sinh viên thường ít chú ý đến những vấn đề liên quan đến giờ giấc như giờ đi làm, deadline, giờ ăn/nghỉ trưa. Tuy nhiên, một tổ chức chuyên nghiệp sẽ luôn yêu cầu tuân thủ vấn đề giờ giấc. Hãy bắt đầu tự điều chỉnh đồng hồ sinh học của bản thân 3-5 ngày trước khi kì thực tập diễn ra để cơ thể kịp thích nghi với giờ giấc sinh hoạt mới và không khiến bạn mệt mỏi khi làm việc.
6. Quan trọng vấn đề tiền bạc
“Đi làm là phải có lương” hay “không có lương, đi làm rất dễ nản” là quan niệm của một số bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nếu như biết rằng giữa lý thuyết được học ở trường và công việc thực tế có một độ vênh khá lớn, và kì thực tập giúp cân chỉnh lại độ vênh này cho thực tập sinh, thì chúng ta sẽ thấy, bản thân một kì thực tập và những điều chúng ta học được từ đó đã là một mức lương quá hấp dẫn rồi. Hãy tận dụng thời gian vẫn còn được trợ cấp bởi gia đình để tập trung vào thích luỹ và bổ sung kiến thức các bạn nhé.
7. Không biết làm việc nhóm
Không biết làm việc nhóm là khi bạn không biết/ không muốn chia sẻ công việc cho mọi người theo khả năng mà thường ôm đồm tất cả về mình để “giải quyết cho nhanh” hay khi bạn không biết cách hoà hợp hay kết nối các thành viên còn lại với nhau,… Làm việc nhóm hiệu quả sẽ giúp hiệu suất công việc nâng cao, gắn kết các thành viên với nhau và bù trừ thiếu sót của mỗi người trong một tập thể.