Cơ sở để doanh nghiệp xem xét khi thực hiện kiểm toán

Việc ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BTC hướng dẫn lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước là cần thiết. Đây là cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Luật Chứng khoán 2019; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, cũng như các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có cơ sở để thực hiện kiểm toán.

Lý do lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước

Lý giải về việc tại sao phải hướng dẫn lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (QLGSKTKT) của Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP thì các công ty đại chúng sau hợp nhất, sáp nhập, tách và các trường hợp cơ cấu lại khác mà các hoạt động, giao dịch này làm thay đổi hoặc có giá trị đạt tỷ lệ từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên thực hiện chào bán chứng khoán, niêm yết cổ phiếu phải lập và nộp báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước đã được kiểm toán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong hồ sơ chào bán chứng khoán hoặc hồ sơ niêm yết cổ phiếu.

Mục đích của thông tin tài chính theo quy ước là để minh họa ảnh hưởng của các sự kiện hoặc giao dịch trọng yếu đến thông tin tài chính chưa điều chỉnh của đơn vị, với giả định sự kiện đã xảy ra hoặc giao dịch đã được thực hiện tại một ngày trước đó, được chọn cho mục đích minh họa. Điều này đạt được bằng cách ghi nhận các điều chỉnh theo quy ước vào thông tin tài chính chưa điều chỉnh.

Việt Nam đã ban hành chuẩn mực kiểm toán số 3420 - Hợp đồng dịch vụ đảm bảo về báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước trong bản cáo bạch (ban hành kèm theo thông tư số 66/2015/TT-BTC ngày 8/5/2015), làm cơ sở cho các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán thực hiện việc kiểm toán báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước. Tuy nhiên, trước thời điểm ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BTC (thông tư số 10) thì chưa có một hướng dẫn về việc lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước, làm cơ sở cho các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán xem xét khi thực hiện kiểm toán, cũng như để các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước theo yêu cầu của Luật Chứng khoán và Nghị định số 155. Do vậy, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 10 hướng dẫn về lập báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước là cần thiết, đủ điều kiện cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện theo đúng pháp luật.

Doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc

Theo đại diện Phòng Quản lý giám sát kế toán ngân hàng và các tổ chức tài chính - Cục QLGSKTKT, Thông tư số 10 đã quy định các nguyên tắc doanh nghiệp phải tuân thủ khi lập báo cáo tổng hợp tài chính theo quy ước. Trong đó, về nguyên tắc chung, tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước là việc doanh nghiệp thu thập, phân loại, tổng hợp và trình bày thông tin tài chính nhằm minh họa ảnh hưởng của sự kiện hoặc giao dịch trọng yếu đối với thông tin tài chính chưa điều chỉnh của doanh nghiệp nếu giả định sự kiện đã xảy ra hoặc giao dịch đã được thực hiện tại thời điểm lựa chọn.

Nguồn các thông tin chưa điều chỉnh để lập báo cáo tổng hợp tình hình tài chính theo quy ước và báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động theo quy ước là báo cáo tình hình tài chính (bảng cân đối kế toán) và báo cáo kết quả hoạt động (báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) cho giai đoạn báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước. Đối với doanh nghiệp là công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất, thì thông tin chưa điều chỉnh được sử dụng để lập báo cáo tổng hợp tình hình tài chính theo quy ước và báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động theo quy ước là báo cáo tình hình tài chính hợp nhất (bảng cân đối kế toán hợp nhất) và báo cáo kết quả hoạt động hợp nhất (báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất).

Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước được lập trên cơ sở giả định hoạt động cơ cấu lại, tách công ty đã được hoàn tất. Kỹ thuật sử dụng để tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước được thực hiện theo quy định của chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành. Doanh nghiệp không áp dụng các quy định về kế toán tạm thời theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 11 - Hợp nhất kinh doanh. Báo cáo này phải thực hiện các điều chỉnh theo quy ước đối với ảnh hưởng của các giao dịch tài trợ vốn bổ sung (vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu) để hoàn thành giao dịch cơ cấu lại, thường bao gồm điều chỉnh cho khoản vốn bổ sung và các chi phí liên quan, ví dụ như gốc vay, chi phí lãi vay.

Tin khác