Ngày 31/5/2022, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 116/TTr-BTC trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2010/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2022. Nghị định quy định khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/07/2022.
Theo đó, tại Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có Mẫu số 01/TB-SSĐT thông báo về việc tiếp nhận và kết quả xử lý hóa đơn điện tử đã lập có sai sót. Mẫu này được cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế để phản hồi về việc cơ quan thuế đã tiếp nhận Thông báo hóa đơn điện tử có sai sót mà người nộp thuế gửi trong cả 2 trường hợp: (i) sai sót do người nộp thuế tự phát hiện; (ii) sai sót do cơ quan thuế phát hiện và yêu cầu người nộp thuế kiểm tra. Tại Mẫu số 01/TB-SSĐT có quy định “Chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan thuế”.
Qua thực tiễn triển khai hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố trong thời gian qua, khối lượng hóa đơn sai sót mà người nộp thuế thông báo đến cơ quan thuế là khá nhiều. Đối với trường hợp sai sót do người nộp thuế tự phát hiện, việc Thủ trưởng cơ quan thuế phải thực hiện ký đích danh để phản hồi về việc cơ quan thuế đã tiếp nhận Thông báo hóa đơn điện tử có sai sót đối với từng trường hợp làm cho quá trình xử lý mất nhiều thời gian, tăng khối lượng công việc tại cơ quan thuế và chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi quy định về chữ ký tại Mẫu số 01/TB-SSĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Đối với Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho rằng, trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng. Quy định nêu trên là thuận lợi trong việc phân loại, quản lý những hóa đơn của những hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, tuy nhiên làm tăng thời gian của kế toán doanh nghiệp và chi phí sử dụng hóa đơn, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn trong ngày.
Trường hợp nếu doanh nghiệp thấy khó khăn khi tách hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nên không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế thì người tiêu dùng lại không được thụ hưởng lợi ích từ chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi quy định về lập hóa đơn tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo hướng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử; góp phần tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước tác động tiêu cực dịch COVID- 19; Phù hợp thẩm quyền của Chính phủ được quy định tại Luật Quản lý thuế.
Trước đó, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các tổ chức liên quan. Đồng thời, căn cứ khoản 7 Nghị quyết số 66/NQ-CP, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định về hồ sơ Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đến nay, Bộ Tư pháp và các đơn vị đã có ý kiến nhất trí với dự thảo của Bộ Tài chính.
Tại Dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Mẫu số 01/TB-SSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Sửa đổi khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi Mẫu số 01/TB-SSĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2000/NĐ-CP ngày 19/10/2020. Theo đó, điều chỉnh về chữ ký số tại Mẫu số 01/TB-SSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP theo hướng: cơ quan thuế sẽ sử dụng chữ ký số của cơ quan (cấp tự động) để phản hồi về việc cơ quan thuế đã tiếp nhận Thông báo về việc hóa đơn điện tử có sai sót của người nộp thuế đối với sai sót do người nộp thuế tự phát hiện; chỉ sử dụng chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan thuế đối với sai sót do cơ quan thuế phát hiện.
Nội dung sửa đổi theo hướng cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì được ghi trên cùng hóa đơn và phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Tài chính cho rằng, do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Về việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, cung cấp dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng, để tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định đối với những trường hợp đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này kể từ ngày Nghị định số 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 01/02/2022) đến trước ngày Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành thì vẫn được giảm thuế giá trị gia tăng và không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
Bộ Tài chính khẳng định, các nội dung sửa đổi đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan, nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thuế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Dự thảo Nghị định cũng không bổ sung thêm thủ tục mới, việc sửa đổi, bổ sung mẫu biểu ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cả cơ quan thuế.