Điều hành chính sách tài khóa thành công, đưa nền kinh tế vượt khó

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng mạnh từ những biến động bên ngoài cộng với những áp lực từ bên trong. Do đó, việc triển khai thành công các chính sách tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đã góp phần quyết định thực hiện mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều hành chính sách tài khóa thành công, đưa nền kinh tế vượt khó
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Linh hoạt chính sách tài khóa ổn định vĩ mô

Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô của thời gian qua đã giúp tăng sức "đề kháng" với những "cú sốc" bên ngoài, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ vững chắc.

Nhắc đến những thành công trong điều hành chính sách tài khóa những năm qua, không thể không nhắc đến nỗ lực điều hành của Bộ Tài chính, trong khó khăn vẫn chèo lái “con thuyền” ngân sách đạt kết quả tích cực, gặt hái thành quả. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt cao so với dự toán.

Như thời điểm năm 2022, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; các cân đối lớn được đảm bảo, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, vượt 26,4% so với dự toán và tăng 8,1% so với năm trước; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Năm 2022 tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính ước tính trong 4 năm qua (2020-2023) số tiền thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng, là số tiền rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Việc thực hiện các chính sách nêu trên, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế.

Cùng với thu, chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm. Chi đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Năm 2022, chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán và tăng 8,1% so với năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Triển khai gói phục hồi kinh tế, với quy mô 347 nghìn tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số.

Nợ công được kiểm soát tốt

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 mới đây đã đánh giá việc kiểm soát tốt nợ công. Quản lý nợ chính phủ, nợ nước ngoài là một trong những điểm sáng. Cơ cấu nợ ngày càng bền vững và trả nợ đúng hạn, không những giúp ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn giúp Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

Nợ công của Việt Nam hiện đã giảm xuống chỉ còn 37,4 % GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng Quốc hội đề ra. Các khoản vay nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát huy hiệu quả tích cực. Cơ cấu nợ công cũng ngày càng bền vững khi tỷ lệ vay trong nước ngày càng cao nên ít chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá.

Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua đã cơ cấu lại nợ công, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Trên thực tế, đã khuyến khích các doanh nghiệp vay của các tổ chức tín dụng nước ngoài, quỹ tài chính nước ngoài, ngân hàng nước ngoài; hạn chế đến mức thấp việc Nhà nước đứng ra bảo lãnh. Hiện nay, chỉ vay những khoản vay có hiệu quả kinh tế cao, thời gian trả nợ dài, lãi suất tiền vay thấp nhất. Như vậy vay nước ngoài sẽ giảm dần, tăng cường phát hành trái phiếu chính phủ để huy động trong nước và thời gian huy động dài từ 10 - 15 năm.

Chính vì các nỗ lực trong điều hành của Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm, Việt Nam vẫn được 2 tổ chức tín nhiệm quốc tế là Moody's và S&P nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính mang lại điều này là nhờ thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện tốt việc quản lý nợ công theo hướng giảm dần.

 

Tin khác