Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể một số nội dung còn vướng mắc khi triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2022 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tháo gỡ các vướng mắc
Ngày 16/09/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư số 56/2022/TT-BTC đã hướng dẫn cụ thể các nội dung: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công; Phân phối kết quả tài chính trong năm của đơn vị sự nghiệp công; Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; Lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, quyết toán thu, chi kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công; Chế độ báo cáo về tình hình tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công; Xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công.
Theo Bộ Tài chính, một số nội dung vướng mắc theo phản ánh của một số bộ, địa phương khi triển khai Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Trong đó, Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về cách xác định các khoản thu xác định mức độ tự chủ tài chính, các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính và phân loại mức tự chủ tài chính, giao quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công.
Thông tư đã hướng dẫn cách xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên trong từng lĩnh vực (giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; y tế - dân số; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác). Trong Phụ lục kèm theo Thông tư cũng đã đưa ra các ví dụ về cách xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập để các đơn vị sự nghiệp công lập tham khảo khi xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư số 56/2022/TT-BTC cũng quy định rõ thẩm quyền giao tự chủ tài chính của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Trong đó, đã quy định các trường hợp đặc thù như đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, tỉnh; trực thuộc các tổ chức chính trị; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam. Đồng thời, đã hướng dẫn việc tạm trích các Quỹ và thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm trong năm đối với đơn vị nhóm 1, 2, 3; chi thu nhập tăng thêm và chi phúc lợi, khen thưởng đối với nhóm 4.
Về lập dự toán và phê duyệt dự toán mua sắm từ nguồn thu cung cấp hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định tại Chương IV Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và Chương IV Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính.
Theo đó, hàng năm các đơn vị lập dự toán thu, chi hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước. Đối với dự toán thu, chi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ khác, cơ quan quản lý cấp trên không giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công.
Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công quyết định dự toán thu, chi trên cơ sở kế hoạch, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Về thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm, thực hiện theo quy định về phân cấp về quản lý, mua sắm tài sản hiện hành (Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ, Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính).
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, nếu có khó khăn, vướng mắc do các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ sẽ nghiên cứu, giải quyết kịp thời và sửa đổi cho phù hợp.
Đánh giá, đề xuất cơ chế tự chủ với bệnh viện
Gần đây, báo chi có phản ánh về thực trạng nhiều đơn vị bệnh viện công xin dừng tự chủ cơ chế tài chính vì gặp nhiều vướng mắc. Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, ngày 5/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền giao tự chủ tài chính theo quy định thì tiếp tục thực hiện theo phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến hết năm 2022. Từ năm 2023, các đơn vị công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các quy định có liên quan.
Đối với thông tin phản ánh về Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 04 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho biết, ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ của 04 Bênh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.
Trong đó, tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 33/NQ-CP quy định, thời gian thực hiện Nghị quyết là 02 năm kể từ khi Đề án Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 02 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.
Ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 268/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021. Theo quy định nêu trên, từ năm 2022, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.
Bộ Tài chính thông tin, ngày 30/8/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập. Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Y tế đánh giá kết quả thực hiện 02 năm thực hiện cơ chế tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đánh giá kết quả các nhiệm vụ đã triển khai thực hiện, các nhiệm vụ chưa thực hiện, kết quả đạt được và tồn tại hạn chế; trên cơ sở đó Bộ Y tế đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cơ chế tự chủ cho giai đoạn mới.
Do đó, sau khi Bộ Y tế đánh giá tình hình 02 năm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất cơ chế tự chủ cho giai đoạn mới đối với Bệnh viện Bạch mai và Bệnh viện K, Bộ Tài chính sẽ có ý kiến theo quy định.