Đầu năm nay, Masan Consumer Holdings đã chi tới gần 17.500 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu Masan Consumer với mức giá lên đến 179.000 đồng/cp.
Ngày 4/11, CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer đã ra thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 14/11 để thực hiện lưu ký tập trung, phục vụ việc đăng ký giao dịch cổ phiếu của công ty trên sàn Upcom thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Masan Consumer hiện có vốn điều lệ 5.382 tỷ đồng, tương ứng 538,2 triệu cổ phiếu, bao gồm 18 triệu cổ phiếu quỹ và công ty mẹ Masan Consumer Holdings nắm giữ 499,9 triệu cổ phiếu, tương đương 96,1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết còn lại hơn 20 triệu cổ phiếu lưu hành tự do.
Tháng 1/2016, Masan Consumer Holdings - sau khi nhận 600 triệu USD vốn đầu tư từ hãng bia Thái Singha - đã chi hơn 17.470 tỷ đồng (780 triệu USD) để mua lại 97,7 triệu cổ phiếu Masan Consumer, tương ứng giá mua lại gần 179.000 đồng/cp.
Nếu lên sàn tại mức giá này, vốn hóa của Masan Consumer lên đến 93.000 tỷ đồng (4,15 tỷ USD) – gấp hơn 3 lần so với vốn hóa của doanh nghiệp lớn nhất sàn Upcom là Habeco (29.000 tỷ) cũng như gần gấp đôi so với vốn hóa của Masan Group (48.500 tỷ đồng).
Masan Consumer hiện là 1 trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng với các nguồn thu đến từ nước chấm (nước mắm, nước tương, tương ớt mang nhãn hiệu Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử); mì ăn liền (Omachi, Kokomi…) và đồ uống không cồn (Vĩnh Hảo, Vinacafe Biên Hòa, Nước khoáng Quảng Ninh).
Trong 9 tháng đầu năm 2016, Masan Consumer đạt 9.100 tỷ doanh thuần và lãi ròng 1.650 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành hàng tiêu dùng là Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng đã thông báo chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị lên Upcom. Giống Masan Consumer, Đường Quảng Ngãi có danh mục sản phẩm khá phong phú từ sữa đậu nành (Vinasoy, Fami), đường, bánh kẹo, bia, nước khoáng…
Trường An
Theo Trí thức trẻ