Tại Việt Nam, phát triển bền vững được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân..
Mục tiêu trong giai đoạn mới
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của Viêt Nam xác đinh tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực và đặt chỉ tiêu:
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm; giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1 - 1,5%/năm.
Về xã hội, Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”.
Giải pháp đẩy nhanh phát triển bền vững
Thứ nhất, giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. Đây là nhân tố quyết định để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và cũng là một nhân tố cho phát triển bền vững”.
Thứ hai, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách hợp lý nhằm nâng cao năng lực, năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung tái cơ cấu đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp với doanh nghiệp Nhà nước là chủ yếu; tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, các ngành nghề lĩnh vực, tập trung phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong đó, lấy thị trường thế giới và thị trường khu vực làm mục tiêu để phát triển các sản phẩm công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung tái cấu trúc ngành năng lượng, tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị xanh, thông minh.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ tư, chú trọng đến giáo dục đào tạo, coi giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ là quốc sách để Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là là nhân tố quyết định cho sự phát triển và nhân tố cho tăng trưởng bền vững.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh hơn, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực cho đầu tư cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tập trung cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp.
Thứ sáu, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu Nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.