Ngân hàng Thế giới đánh giá cao cải cách hành chính thuế

Đó là khẳng định của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB) ông Sebastian Eckardt khi làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam vào ngày 29/10 về các cải cách hành chính mà ngành thuế làm được trong thời gian qua, những tác động đến người nộp thuế và cơ quan thuế.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, ngay từ khi xây dựng Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, ngành thuế đã đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, hiệu quả, dựa trên cơ sở nền tảng chính sách pháp luật thuế rõ ràng minh bạch, thủ tục hành chính (TTHC) thuế đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý để tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế (NNT).

Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, thực hiện các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều chương trình cải cách và hiện đại hóa. Theo đó đã tham mưu, đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp quy sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách TTHC thuế, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, DN.

Với sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chú trọng xây dựng hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ cho quản lý thuế và cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng Internet cho DN. Đến nay, toàn bộ thông tin văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, các thông tin cảnh báo về những rủi ro trong thực hiện nghĩa vụ thuế như: DN bỏ trốn mất tích, hóa đơn không còn giá trị sử dụng… đều được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Ngành thuế đã cung cấp 7 nhóm dịch vụ công trực tuyến với 123/298 thủ tục hành chính, đạt mức độ 3, 4, qua đó, các TTHC thuế đã được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí tuân thủ chung cho xã hội.

Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế được xây dựng tập trung đồng bộ, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành trong toàn bộ hệ thống cơ quan thuế được dễ dàng, nhanh chóng. Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, TP và 100% chi cục thuế trực thuộc. Đã có 682.242 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,93% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 54,2 triệu hồ sơ. Tổng cục Thuế đã ký kết hợp tác và kết nối với 49 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho NNT. Đến ngày 31/08/2018, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 668.297 DN, đạt tỷ lệ 97,89%; số tiền đã nộp NSNN từ 01/01/2018 đạt trên 408.929 tỷ đồng với 2.288.263 giao dịch nộp thuế điện tử. Cơ quan thuế đã triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử cho NNT tại 63 tỉnh, TP với tổng số 5.918 DN tham gia hoàn thuế điện tử, đạt tỷ lệ 88,75%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 10.881 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 57.201 tỷ đồng.

Có thể nói những nỗ lực cải cách của cơ quan thuế trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ, Bộ Tài chính và cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Theo khảo sát do VCCI thực hiện, Chỉ số hài lòng của DN đối với CCHC Thuế năm 2016 là 75/100 điểm (so với năm 2014 là 71/100 điểm). Hội đồng tư vấn CCHC của Chính phủ đánh giá chi phí tuân thủ thực hiện TTHC thuế đứng thứ 1 trong 8 nhóm TTHC được đưa vào đánh giá.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả như trên nhưng ngành thuế vẫn còn nhiều việc phải làm. Trước hết là cơ quan thuế các cấp phải nâng cao chất lượng phục vụ NNT để tiếp tục giảm số giờ nộp thuế của DN Việt Nam theo chuẩn quốc tế mà WB đánh giá. Trong đó quan trọng nhất là phải tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy định về chính sách, TTHC thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi dịch vụ thuế điện tử đến các cá nhân, người khai thuế trước bạ; kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành, các ngân hàng, cơ quan chi trả… nhằm đơn giản hóa các TTHC mà NNT phải cung cấp cho cơ quan thuế; áp dụng quản lý rủi ro để thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp gian lận, trốn thuế mà không làm phiền đến các DN tuân thủ tốt. Bên cạnh đó, cơ quan thuế phải quản lý chặt chẽ các nguồn thu trong bối cảnh cách mạng công nghệ thông tin toàn cầu với các giao dịch xuyên biên giới, phi truyền thống… và phòng chống, ngăn chặn các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ Thu NSNN với tỷ trọng số thu nội địa ngày càng tăng. Đây cũng là những nội dung trọng tâm trong Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, Tổng cục Thuế mong muốn WB có thể hỗ trợ cả về kỹ thuật, hỗ trợ chuyên gia quốc tế để giúp ngành thuế hoạch định chiến lược cải cách (2021-2030) phù hợp với thông lệ quốc tế và ngày càng minh bạch hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Sebastian Eckardt nhấn mạnh: những kết quả cải cách mà ngành thuế đạt được trong thời gian qua là rất ấn tượng, nhất là việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT vào quản lý với gần 100% số DN đang hoạt động đã kê khai, nộp thuế điện tử. Ông Sebastian Eckardt cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất năng động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đòi hỏi ngành thuế phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đơn giản hóa TTHC và bao quát hết các nguồn thu. Về phía WB rất đồng tình với ý tưởng cải cách theo hướng tăng cường sự tuân thủ pháp luật tự nguyện của Việt Nam. Đại diện WB bày tỏ vinh dự được Tổng cục Thuế tin tưởng mời tham gia hỗ trợ xây dựng chiến lược cải cách thuế trung hạn của Việt Nam, đồng thời khẳng định, WB có nhiều kinh nghiệm, cũng như các chuyên gia tốt trong việc mở rộng cơ sở tính thuế và chống chuyển giá, bảo vệ nguồn thu. Do đó trong thời gian tới, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam cả về kỹ thuật, chuyên gia và nguồn lực tài chính để xây dựng chiến lược cải cách thuế Việt Nam trong trung hạn theo hướng minh bạch và hiệu quả.

Sau khi lắng nghe ý kiến của chuyên gia, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho rằng, nhờ sự hỗ trợ hợp tác rất hiệu quả của WB trong thời gian qua mà ngành thuế đã có những bước tiến dài trong cải cách. Tổng cục Thuế cũng mong muốn với uy tín và sự đánh giá khách quan, WB sẽ sớm ghi nhận và công bố những cải cách thực tế đã diễn ra ở Việt Nam./.

 

TCT

 

Tin khác