Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Vietravel cực kỳ thấp, chỉ vỏn vẹn 0,5%, tức để có được 1 đồng lợi nhuận cần tới 200 đồng doanh thu.
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng, lên tới hàng chục phần trăm mỗi năm và điều này đã mang lại niềm vui không nhỏ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành.
Là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực lữ hành, CTCP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải – Vietravel đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu trong những năm vừa qua.
Năm 2015, doanh thu của Vietravel đạt xấp xỉ 4.400 tỷ đồng – gần gấp đôi so với năm 2012. Trong lĩnh vực du lịch – khách sạn nói chung, ngoại trừ Saigontourist, khó có doanh nghiệp nào có thể so kè được với Vietravel về doanh thu.
Saigontourist và Vietravel là 2 doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu trong ngành dịch vụ du lịch
Doanh thu hợp nhất năm 2015 của Saigontourist đạt hơn 5.500 tỷ đồng với hơn ½ đến từ mảng lữ hành, còn lại là từ các dịch vụ ăn uống, cho thuê phòng… Trong khi đó, mảng lữ hành chiếm tới 93% doanh thu của Vietravel.
Mặc dù mang về cho Vietravel hay Saigontourist khoản doanh thu lên đến nhiều nghìn tỷ đồng nhưng có một nghịch lý là lợi nhuận của hoạt động lữ hành lại chẳng đáng là bao.
Trái ngược với doanh thu, lợi nhuận của Vietravel lại rất khiêm tốn dù cho đang có chiều hướng tốt lên: Từ mức lỗ 3 tỷ trong năm 2013, công ty đã có lãi 11 tỷ trong năm 2014 và 22 tỷ trong năm 2015.
Doanh thu gần 4.400 tỷ trong khi chỉ lãi vỏn vẹn 22 tỷ đồng – tức cứ 200 đồng doanh thu Vietravel mới có được 1 đồng lãi, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận rất thấp là 0,5%. Hiếm có 1 lĩnh vực nào mà doanh nghiệp đầu ngành lại có tỷ suất lợi nhuận thấp như vậy.
Trong khi đó, với nguồn thu đáng kể từ mảng dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng cũng như nhiều khoản đầu tư vào một số khách sạn 5 sao, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Saigontourist đều đặn đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Để có được 1 đồng lợi nhuận sau thuế, Vietravel cần tới 200 đồng doanh thu
Nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận của Vietravel rất thấp là do doanh nghiệp này thuần túy chỉ có hoạt động cung cấp dịch vụ lữ hành vốn là mảng có biên lợi nhuận rất mỏng trong cả ngành dịch vụ du lịch nói chung.
Mức lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng của Vietravel chỉ tương đương với lợi nhuận của một số khách sạn cỡ vừa. Với nhiều khách sạn 5 sao có vị trí đắc địa thì việc lãi vài trăm tỷ mỗi năm chỉ là “chuyện nhỏ”, đơn cử như Sheraton Saigon, New World Saigon, Melia Hà Nội, Metropole Hà Nội…
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành – dù không có được thương hiệu tốt như Vietravel – nhưng lại có được mức lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận tốt hơn Vietravel rất nhiều nhờ việc sở hữu và/hoặc nắm cổ phần tại một số khách sạn lớn. Một số cái tên điển hình có thể kể đến như Hanoi Toserco, OSC Việt Nam, Bến Thành Tourist, Peace Tour…
Tất nhiên, so với quy mô vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2015 lần lượt là 91 tỷ và 66 tỷ đồng thì các chỉ số sinh lời trên vốn của Vietravel vẫn rất khả quan.
Nhưng với quy mô vốn và lợi nhuận chỉ ở mức rất khiêm tốn trong ngành thì cơ hội để đầu tư, mở rộng của Vietravel sẽ rất hạn chế trong khi ngành du lịch Việt Nam nói chung được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng rất nhanh.
Nếu chỉ tập trung vào lĩnh vực lữ hành mà không nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như đầu tư các dịch vụ liên quan có tỷ suất lợi nhuận cao hơn thì Vietravel vẫn chỉ là một doanh nghiệp “nhỏ bé” trong ngành.
Hoàng Anh
Theo Trí thức trẻ