Tìm 'lời giải' cho 'bài toán' nợ thuế

(TBTCVN) - Công tác thu hồi nợ thuế luôn được đánh giá là nhiệm vụ vô cùng gian nan trong công tác quản lý thuế, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, kiên trì và quyết liệt, 9 tháng đầu năm, ngành Thuế đã thu được 25.382 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 60,9% số nợ thuế có khả năng thu năm 2017.

Cán bộ, công chức thuế tập trung rà soát, đối chiếu tất cả các khoản nợ từ đó đề ra giải pháp thu đúng, thu đủ vào ngân sách. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Áp lực từ các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về công tác thu hồi nợ thuế, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tính đến 30/9/2018, tổng số tiền nợ thuế ngành Thuế đang quản lý là 82.961 tỷ đồng, chiếm 7,5% tổng dự toán thu nội địa năm 2018. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (nợ có khả năng thu) là 31.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,8% tổng số tiền thuế nợ. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) là 16.620 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% tổng số tiền thuế nợ.

Tiền thuế nợ của người nộp thuế (NNT) đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (nợ không có khả năng thu hồi) là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 42% tổng số tiền thuế nợ, tăng 3.473 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017. Như vậy, so với thời điểm ngày 31/12/2017, thì nợ thuế vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế tăng, ông Toản cho biết, những năm qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh thương mại. Bên cạnh đó, một bộ phận NNT, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) mới kinh doanh thua lỗ tự giải thể, phá sản, đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh không nộp tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN) dẫn đến nợ thuế.

Nguyên nhân khác nữa theo phân tích của ông Toản đó là, theo quy định của Luật Quản lý thuế (tại khoản 1 Điều 106) thì NNT chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt số nợ còn đối tượng để thu hay nợ không còn đối tượng để thu. Quy định trên dẫn đến hiện nay số tiền chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu ngân sách không ngừng tăng lên, trong khi thực tế các khoản nợ gốc này đã không có khả năng thu. Việc tính tiền chậm nộp thuế này đã làm tăng thêm số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi của cơ quan thuế, tạo áp lực cho cơ quan quản lý thuế.

Ngoài ra, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng gặp khó khăn chưa nộp kịp thời, do các dự án đang phải giải quyết vướng mắc như: chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, chưa đi vào khai thác nên chưa có khả năng nộp tiền thuế. Tuy nhiên, theo quy định, cơ quan thuế vẫn phải tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Bên cạnh những DN thực sự gặp khó khăn thì vẫn còn tồn tại một số NNT chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, cố tình dây dưa, chây ỳ không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài... dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng.

Nhiều giải pháp quyết tâm giảm nợ thuế

Trao đổi với phóng viên về giải pháp xử lý thu hồi nợ đọng thuế, ông Toản cho biết, để giảm thiểu phát sinh việc chậm nộp thuế, nợ đọng thuế, cơ quan thuế đã thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, lắng nghe, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho NNT. Đồng thời, xử lý ngay nợ chậm nộp cho những DN gặp khó khăn do khách quan mang lại, kịp thời thực hiện gia hạn nộp thuế; phân kỳ nộp dần tiền thuế cho NNT, tạo điều kiện cho NNT đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm thiểu việc chậm nộp tiền thuế.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế để nâng cao tính tuân thủ của NNT trong việc thực hiện các quy định nộp thuế; biểu dương đối với các tổ chức, cá nhân phối hợp tốt với cơ quan thuế trong việc thu hồi tiền thuế nợ có hiệu quả.

Số liệu nợ và thu nợ từ năm 2015 đến tháng 9/2018 như sau:

1. Tổng nợ năm 2015 là 76.452 tỷ đồng, bằng 10,3% tổng thu nội địa cơ quan thuế quản lý; Tổng nợ đã thu được 37.582 tỷ đồng.

2. Tổng nợ năm 2016 là 77.283 tỷ đồng, bằng 8,7% tổng thu nội địa cơ quan thuế quản lý; Tổng nợ đã thu được 40.049 tỷ đồng.

3. Tổng nợ năm 2017 là 73.145 tỷ đồng, bằng 7,6% tổng thu nội địa cơ quan thuế quản lý; Tổng nợ đã thu được 44.773 tỷ đồng.

4. Tổng nợ tại thời điểm 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng, bằng 7,5% tổng thu nội địa cơ quan thuế quản lý; Tổng nợ đã thu được 25.382 tỷ đồng. 

Đồng thời, cơ quan thuế tăng cường rà soát, phân loại nợ để phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, phân tích nguyên nhân của từng NNT để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ phù hợp. Đối với các khoản nợ thuế mới phát sinh, cơ quan thuế tổ chức đôn đốc thu ngay như: gọi điện thoại, nhắn tin và gửi thư điện tử cho chủ DN, ban hành thông báo nợ thuế (TB 07/QLN) gửi đến NNT yêu cầu nộp tiền thuế nợ vào NSNN, không để thời gian nợ dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế.

Đặc biệt, các cơ quan thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin nợ thuế đối với những NNT không nộp thuế đúng thời hạn quy định của Luật Quản lý thuế. Theo đó, những NNT có hành vi cố tình chây ỳ, bỏ trốn, tẩu tán tài sản, cơ quan thuế áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu hồi giấy đăng ký kinh doanh; đồng thời kết hợp với việc công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế: phối hợp với UBND các cấp, các ngành như công an, kế hoạch đầu tư, kho bạc nhà nước, ngân hàng... thành lập các tổ liên ngành thu hồi nợ thuế. Kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành trong công tác thu nợ thuế, góp phần giảm số thuế nợ đọng, tăng thu cho NSNN.

Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ, từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác để tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nợ thuế.

Thời gian qua, công tác quản lý nợ thuế đã có nhiều chuyển biến tích cực, số thu hồi nợ đọng tăng lên qua các năm, bình quân hàng năm đã thu đạt khoảng 82% số nợ có khả năng thu hồi. Trong đó, năm 2016 ngành Thuế thu đạt 40.049 tỷ đồng, tăng 6,6%; năm 2017 thu đạt 44.773 tỷ đồng, tăng 11,9%; tính đến ngày 30/9/2018, đã thu nợ đạt 25.382 tỷ đồng. 

Tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu nội địa cũng có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong đó, năm 2016 giảm 8,5%; năm 2017 nợ thuế giảm 7,6%; đến 30/9/2018 nợ thuế đã giảm xuống ở mức 7,5%. Riêng tỷ lệ nợ có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh, năm 2016 là 5,6%, năm 2017 là 4,3%, thì tính đến 30/9/2018 đã giảm xuống ở mức 4,2%. 

* Ông Nguyễn Văn Luyện – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi:

Tiền phạt, tiền chậm nộp là nguyên nhân chính làm tăng nợ thuế

 Ông Nguyễn Văn Luyện
 Ông Nguyễn Văn Luyện

Tính đến ngày 30/9/2018, Cục Thuế Quảng Ngãi đã thu được 2.653,9 tỷ đồng tiền thuế nợ. Trong đó, đơn vị thu tiền thuế nợ năm 2017 chuyển sang được 146,4 tỷ đồng, bằng 41,6% tiền thuế nợ có khả năng thu năm 2017.

Đến thời điểm 30/9/2018, tổng số nợ thuế Cục Thuế Quảng Ngãi đang quản lý là 553,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,45% trên tổng thu ngân sách. So với số nợ tại thời điểm 31/12/2017 thì tổng nợ tăng 5%, tương ứng với số nợ tăng 26,1 tỷ đồng, nhưng giảm 1,2% so với số nợ cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, Cục Thuế đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác của cục thuế đến làm việc trực tiếp với một số chi cục thuế có nguồn thu lớn, có số nợ thuế tăng cao để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách và công tác thu nợ thuế. 

Tuy nhiên, tình hình nợ chưa giảm mà còn tăng 5% so với số nợ tại thời điểm 31/12/2017, có nguyên nhân không nhỏ do số tiền thuế nợ không thể thu của người nợ thuế đã chết, đã phá sản, mất năng lực hành vi dân sự… bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày.

 

* Ông Nguyễn Năng Hoàn - Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương:

Cương quyết với các trường hợp chây ỳ nợ thuế

 Ông Nguyễn Năng Hoàn
Ông Nguyễn Năng Hoàn 

Cục Thuế Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc công tác thu hồi nợ thuế, nhất là với các trường hợp cố tình chây ỳ. Vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với từng chi cục thuế và toàn cục thuế.  

8 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã công khai 272 DN chây ỳ, không chấp hành nộp tiền thuế trên trên báo, Đài phát thanh Truyền hình Hải Dương, trang thông tin điện tử của ngành với số tiền nợ thuế là 53,8 tỷ đồng; công khai trên đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố  327 đơn vị với số tiền nợ thuế là 46,3 tỷ đồng.

Cơ quan thuế cũng ban hành 374 quyết định cưỡng chế nợ thuế đối với các đơn vị cố tình chây ỳ dây dưa, với số tiền thuế nợ là 99,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được qua cưỡng chế là 35,5 tỷ đồng. Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực, cương quyết của cơ quan thuế, nên công tác quản lý nợ đọng thuế từ đầu năm 2018 đến nay tiếp tục đi vào nề nếp, góp phần quan trọng vào việc chống thất thu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành. 

 

 

* Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội:

Nắm rõ dòng tiền của DN để thu hồi nợ thuế hiệu quả

 Ông Mai Sơn
 Ông Mai Sơn

Công tác thu hồi nợ thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục Thuế Hà Nội. Do đó, trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn tăng cường công tác quản lý nợ thuế, bám sát các DN nợ thuế để hỗ trợ những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải, đặc biệt là những DN có các dự án đang và đã triển khai, qua đó đôn đốc để họ có kế hoạch nộp thuế đúng quy định. Nhờ làm tốt công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế, nên số nợ tuyệt đối của Cục Thuế Hà Nội đã liên tục giảm trong vài năm qua.

Tổng hợp số liệu nợ từ năm 2015 đến nay cho thấy, số nợ thuế trên, dưới 90 ngày của Cục Thuế Hà Nội quản lý đã giảm gần một nửa. Nếu như số nợ trước năm 2015 là trên 28.000 tỷ đồng, thì đến 31/8/2018 số nợ chỉ còn khoảng trên 13.000 tỷ đồng.  

Để làm tốt công tác quản lý nợ, cũng như giảm nợ đọng thuế, chúng tôi phải xây dựng cơ sở dữ liệu của người nộp thuế còn đang nợ thuế một cách đầy đủ và chi tiết nhất, sát với tình hình sản xuất, kinh doanh của họ. DN có hoạt động được, có dòng tiền thì mới có cơ hội để trả nợ thuế. Để làm được điều này, thì ngoài việc phân tích báo cáo tài chính, chúng tôi cũng phải xác minh những thông tin về DN và người nộp thuế nợ thuế trên địa bàn.

Hiện số nợ khó có khả năng thu hồi tại Cục Thuế Hà Nội vào khoảng 6.000 tỷ đồng, với số nợ kéo dài này, chúng tôi đã tiến hành phân loại nợ một cách chính xác, từ đó đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo đúng quy định.   Minh Nhật 

 

* Ông Lê Duy Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh:

Quyết tâm kéo giảm nợ thuế không quá 4% tổng thu

 Ông Lê Duy Minh
 Ông Lê Duy Minh

9 tháng năm 2018, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thu được 5.540 tỷ đồng nợ thuế của năm 2017 chuyển  sang, đạt 73,07% tổng nợ có thể thu hồi; trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ 3.173 tỷ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế 2.367 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ thuế mới phát sinh là 11.536 tỷ đồng, bao gồm các khoản thuế và phí 5.959 tỷ đồng, nợ liên quan đến đất 2.183 tỷ đồng, các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp 3.155 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, đơn vị triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm kéo nợ thuế giảm 10% so với thời điểm 30/9 và không để nợ thuế vượt quá 4% tổng số thực thu ngân sách cả năm 2018.

Các giải pháp cụ thể gồm: rà soát lại, giao chỉ tiêu thu nợ chi tiết 3 tháng cuối năm 2018 cho từng đơn vị, từng công chức để thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế có hiệu quả, phấn đấu số tiền nợ thuế phải giảm ở mức thấp nhất, hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới; đồng thời rà soát 100% các khoản nợ thuế, thực hiện phân loại nợ thuế chính xác trên ứng dụng TMS như tìm và điều chỉnh kịp thời các trường hợp dữ liệu kê khai sai, nộp sai mục lục ngân sách, mã số thuế; nhập và hạch toán kịp thời dữ liệu kê khai của người nộp thuế, các quyết định xử lý vi phạm hành chính về thuế, quyết định xóa nợ, gia hạn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp vào hệ thống TMS, đảm bảo số liệu nợ thuế chính xác. 

Bên cạnh đó đơn vị sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài; hoàn thành công văn về quy chế phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp chặt chẽ với UBND quận huyện, các sở, ban, ngành liên quan để đôn đốc thu và cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Nhóm PV (thực hiện)

 

Tin khác