Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế năm 2023 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước

 

Xác định việc đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, cơ quan thuế sẽ tiếp tục rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Đưa tỷ lệ nợ thuế đến 31/12/2023 giảm xuống dưới 8% tổng thu ngân sách

Năm 2022, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), song song với việc nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu, toàn ngành Thuế đã tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu hồi nợ đọng, không để phát sinh nợ mới theo đúng quy định và chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Với quyết tâm cao, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp thu nợ, xử lý nợ thuế; tập trung rà soát, phân tích, xác định rõ nguyên nhân đối với từng khoản nợ, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, số tiền thu hồi nợ thuế tính trong năm 2022 ước đạt 39.000 tỷ đồng; trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là 31.000 tỷ đồng; Điều chỉnh nợ là 8.000 tỷ đồng.

Năm 2023, phát huy kết quả đạt được, toàn Ngành sẽ phấn đấu thực hiện được 6 mục tiêu cụ thế sau:

Một là, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ thuế đến 31/12/2023 giảm xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Trong đó, nợ có khả năng thu không vượt quá 5% so với số thực thu ngân sách; đồng thời, cố gắng đưa mức tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2023 giảm so với thời điểm 31/12/2022.

Hai là, giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý mà cơ quan thuế đã tiếp nhận hồ sơ và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý còn tồn đọng tại thời điểm ngày 31/12/2022.

Ba là, tập trung thực hiện các biện pháp thu nợ vào NSNN đối với người nộp thuế khi hết thời gian gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Bốn là, tiếp tục tổ chức thực hiện xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội và quy định của Luật Quản lý thuế.

Năm là, tập trung triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp thu hồi nợ thuế, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách liên quan nợ thuế, nhất là tiền sử dụng đất, thuê đất, giảm tỷ lệ nợ thuế, đảm bảo đến thời điểm ngày 31/12/2023 hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác quản lý nợ thuế, cơ quan thuế các cấp tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy trình Quản lý nợ và Quy trình cưỡng chế nợ thuế nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế

Để đạt được các mục tiêu trên, ngay từ những này đầu của năm 2023, toàn ngành Thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được Quốc hội giao.

Trong đó, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế trong sản xuất - kinh doanh, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý nợ tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế.

Tiếp tục giao nhiệm vụ đôn đốc, cưỡng chế, chịu trách nhiệm thu hồi nợ đọng từng tháng, từng quý tới từng Lãnh đạo Cục Thuế, Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Đội trưởng, từng cán bộ đối với từng doanh nghiệp, để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào NSNN và không để phát sinh nợ mới. Đặc biệt là các khoản nợ đọng của thuế bảo vệ môi trường.

Toàn ngành Thuế sẽ quyết liệt, theo sát, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đối với các khoản nợ được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP có hạn nộp vào cuối năm 2022 mà người nộp thuế chưa nộp. Mặt khác, kiên quyết áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo đúng quy định đối với những doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cố tình chây ỳ, lợi dụng chính sách. Thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp nợ đọng thuế.

Đối với các khoản nợ liên quan đến đất, cơ quan Thuế sẽ thực hiện rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ NSNN, trường hợp có vướng mắc (về điều chỉnh quy hoạch, diện tích, mục đích sử dụng đất, đơn giá…..), chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Đối với trường hợp người sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành thì cơ quan thuế chủ động ban hành văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các đơn vị chức năng tổ chức rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp, đối chiếu xử lý điều chỉnh dứt điểm các khoản nợ ảo, nợ đang chờ điều chỉnh, nợ chờ xử lý. 

Đối với tiền thuế nợ khó thu, bộ phận quản lý nợ phối hợp với các bộ phận và cơ quan liên quan thu thập, lập đầy đủ hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nợ theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Tiếp tục bổ sung các hồ sơ, thủ tục cần thiết nhằm hoàn thiện các công việc còn lại trước thời điểm 30/6/2023 đối với việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.

Tin khác