Sớm luật hóa các quy định về phí và lệ phí

Nhu cầu của người dân về dịch vụ công ngày càng đa dạng; hoạt động cung cấp dịch vụ công có thu phí, lệ phí do cơ quan Nhà nước thực hiện cũng ngày càng phát triển, dẫn đến phát sinh nhiều loại phí, lệ phí trong thực tế, đòi hỏi hệ thống chính sách phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển góp phần cải cách thủ tục hành chính, khắc phục được tình trạng phí chồng phí, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo động lực cho KT-XH phát triển.

Chuyển một số loại phí sang cơ chế giá

Có thể nói, chính sách phí, lệ phí là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì và bảo đảm các hoạt động dịch vụ công. Mặc dù số thu từ phí, lệ phí không lớn nhưng chính sách phí, lệ phí gắn liền với các thủ tục hành chính và có ảnh hướng lớn đối với KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành, Danh mục phí gồm 73 loại phí được phân thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành có những đặc điểm về kinh tế kỹ thuật tương tự như nhau. Danh mục lệ phí gồm 42 loại lệ phí được phân thành 5 nhóm theo các công việc quản lý hành chính Nhà nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quy định chi tiết Danh mục gồm 301 khoản phí và lệ phí (171 khoản phí và 130 khoản lệ phí). Chính phủ cũng đã phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối với 20 khoản phí gắn với quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên, gắn với chức năng quản lý hành chính Nhà nước của chính quyền địa phương. Ngoài ra, Chính phủ còn phân cấp thêm cho địa phương quyết định mức thu và quản lý, sử dụng đối với một số khoản phí, lệ phí khác như: Thủy lợi phí, học phí, viện phí, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt,...

Trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các thủ tục hành chính không còn phù hợp trên cơ sở đó rà soát, dừng thu hoặc bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí. Thực tiễn cho thấy, nhiều loại phí, lệ phí do nhiều cơ quan ban hành ngoài Danh mục và được quy định rải rác ở nhiều văn bản khác nhau như phí bay qua vùng trời được quy định trong luật Hàng không dân dụng Việt Nam, phí công chứng được quy định trong luật Công chứng,... Một số loại phí như phí kiểm định, phí đấu thầu, viện phí, phí giám định tư pháp,… đã được chuyển sang cơ chế giá được quy định trong luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật Đấu thầu, luật Khám bệnh, chữa bệnh, luật Giám định tư pháp,… để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Nhiều loại phí, lệ phí mang tính chất giá dịch vụ cần xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Thực trạng này cơ bản được giải quyết với những phương án trong dự thảo luật Phí và lệ phí mà Bộ Tài chính đã đưa ra.

Khuyến khích xã hội hóa

Những sửa đổi được quan tâm nhất khi luật hóa các quy định về phí và lệ phí chính là việc điều chỉnh Danh mục. Theo Bộ Tài chính, việc rà soát và sửa đổi Danh mục đưa vào dự thảo luật Phí và lệ phí chính là nhằm thể chế hóa Hiến pháp, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách quản lý tài chính công và đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đồng thời thực hiện cơ chế thị trường theo lộ trình đối với cung cấp các dịch vụ công và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ công.

Hệ thống lại Danh mục được trình kèm dự thảo Luật có thể thấy, Bộ Tài chính đã quyết định đưa ra khỏi Danh mục hiện hành 20 khoản phí gồm: 2 khoản đã có nhưng qua 13 năm chưa phát sinh; 5 khoản đã dừng thu; 7 khoản có cùng đối tượng điều chỉnh, cần rà soát, thu gọn; 6 khoản đã chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ với một số khoản quan trọng như viện phí, phí đấu thầu, học phí... Danh mục mới cũng chuyển sang cơ chế giá dịch vụ với 18 khoản phí dưới 2 hình thức: Doanh nghiệp tự định giá (phí giới thiệu việc làm, phí đấu giá,...) hoặc doanh nghiệp kê khai giá (phí bến bãi, phí kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa,...). Các khoản phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá, gồm các khoản phí thu từ dịch vụ có ít đơn vị cung cấp hoặc dịch vụ dễ độc quyền như: Phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án BOT, phí chợ,... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào Danh mục 9 khoản phí cần bổ sung vào Danh mục như phí công chứng, phí bay qua vùng trời,... để đảm bảo thống nhất quản lý. Như vậy, Danh mục phí kèm theo Luật sẽ bao gồm 44 khoản phí với 35 khoản kế thừa Danh mục hiện hành và 9 khoản được quy định tại các luật chuyên ngành.

Tương tự với Danh mục lệ phí, Bộ Tài chính dự kiến đưa ra khỏi Danh mục 11 khoản lệ phí. Trong đó có 2 khoản lệ phí có tên nhưng chưa phát sinh trong suốt 13 năm, 5 khoản cần loại bỏ nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị bỏ lệ phí cấp giấy phép hạn ngạch XK áp dụng đối với việc cấp giấy hạn ngạch XK hàng hóa sang một số nước để khuyến khích XK, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; bỏ lệ phí độc quyền hoạt động trong thăm dò khoáng sản; lệ phí công chứng; lệ phí chứng thực; lệ phí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và lệ phí bảo hộ quyền tác giả để thống nhất với các luật chuyên ngành. 4 khoản lệ phí khác cũng được đề nghị bãi bỏ nhằm cải cách thủ tục hành chính, đó là lệ phí cấp giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật; lệ phí quản lý chất lượng bưu điện; lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh dịch vụ bảo vệ; lệ phí cấp giấy phép hoạt động chứng khoán. 10 khoản lệ phí được Bộ Tài chính bổ sung vào Danh mục chủ yếu để đảm bảo thống nhất với pháp luật chuyên ngành. Thuế môn bài hiện tại cũng được chuyển thành lệ phí môn bài do có nguồn thu ổn định (khoảng 1.700 tỷ đồng/năm). Như vậy, Danh mục lệ phí theo dự thảo luật Phí và lệ phí gồm 41 khoản và được phân nhóm như quy định hiện hành.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự thảo luật Phí và lệ phí quy định một cách rõ ràng thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước về quản lý phí và lệ phí, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phân cấp quản lý hành chính và phân cấp kinh tế xã hội, góp phần thiết lập hệ thống chính sách phí, lệ phí thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách phí và lệ phí, nâng cao hiệu quả điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thực hiện quản lý và kiểm soát có hiệu quả hơn các hoạt động KT-XH theo khuôn khổ của pháp luật, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Dự kiến luật Phí và lệ phí sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2015 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017.

 
                                                                                                                                                                          Theo Báo điện tử Hải quan
                                                                                                                                                                                           Hồng Vân

Tin khác