Việc tỷ giá tăng tới 7% từ đầu năm đến nay nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ngay cả các dự báo bi quan nhất. Trong khi áp lực với tỷ giá sẽ còn tăng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cố gắng duy trì nhiều giải pháp giữ VND ít mất giá để không nhập khẩu lạm phát.
Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại tăng khá mạnh sau khi nới biên độ lên +/-5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện giao dịch quanh vùng 24.500 VND/USD, tương đương với việc tiền Đồng (VND) đã mất giá gần 7% so với cuối năm 2021.
Áp lực ngày càng lớn
Việc tỷ giá tăng tới 7% từ đầu năm đến nay nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ngay cả các dự báo bi quan nhất. Giới chuyên gia nhận định, áp lực với tỷ giá sẽ còn tăng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, dự kiến kéo dài đến tận năm 2023.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi USD tăng giá, để giữ cho tỷ giá ổn định, cơ quan điều hành ở đây là NHNN có 3 công cụ. Thứ nhất là dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp trực tiếp vào thị trường, đó là cách NHNN đã làm từ tháng 2 tới tháng 9, khi đã bán khoảng 21 tỷ USD, tương đương khoảng 20% dự trữ ngoại hối.
Nhưng, trước động thái Fed liên tục tăng lãi suất, NHNN phải dùng công cụ thứ hai là tăng lãi suất, và vừa qua đã tăng lãi suất điều hành thêm 1%.
Thực tế, tỷ giá sẽ vẫn còn chịu nhiều áp lực từ bên ngoài khi Fed đưa ra quan điểm “diều hâu” thực hiện tăng lãi suất trong tháng 11 và tháng 12, kết hợp với yếu tố nội tại, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý III (xuất khẩu yếu đi, kiều hối chậm lại). Nếu NHNN tiếp tục tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Chính vì thế, nhà điều hành dùng công cụ thứ ba là cho VND trượt giá thêm.
“Từ đầu năm tới trước khi điều chỉnh nêu trên, tiền đồng mất giá khoảng 4%, là một thành công so với đồng tiền các nước khác đã mất giá từ 10-20%. Việc để VND mất giá thêm 2% là một giải pháp “xì hơi” áp lực tỷ giá, trong giai đoạn hiện nay và 2 tháng tới khi mà Fed nâng lãi suất. Cách này giúp NHNN không phải bán ngoại tệ quá nhiều hay phải nâng lãi suất quá quyết liệt”, một chuyên gia phân tích.
Có thể thấy, với việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay lên mốc +/-5%, đồng thời tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm, ngay lập tức, giá bán USD trên thị trường chạm mốc 24.500 đồng/USD, tăng 7% so với đầu năm.
Công ty chứng khoán Maybank đánh giá, sau đợt tăng lãi suất thêm 1% vừa rồi, cộng thêm việc tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ và cho trượt tỷ giá thì cũng đủ sức hấp thụ việc Fed tăng lãi suất trong tháng 11, 12. Theo đó, áp lực tăng lãi suất sẽ dời sang quý I/2023, có thể nâng 0,5%.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mức mất giá của VND hiện nay vẫn thấp nhất so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Chẳng hạn như Yên Nhật Bản mất giá tới 31%, hay như đồng Won của Hàn Quốc mất giá tới 22%, Euro mất giá đến 14%. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, điều này sẽ tác động tới nền kinh tế, nhất là lạm phát và lãi suất trong nước, vay nợ nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, thị trường chứng khoán…
Đà tăng có dừng lại?
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách tỷ giá vừa qua được NHNN điều hành mềm dẻo, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ tích cực cho chính sách lãi suất hiện nay.
Mặt khác, chuyên gia này cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái, lãi suất hiện nay có thể phải tăng cao hơn nữa và như vậy cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì gánh nặng lãi suất, chi phí tăng cao.
Còn theo phân tích của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu VND mất giá quá nhiều thì một phần sẽ chuyển vào chỉ số giá, đồng thời đẩy lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể vấn đề nợ quốc gia…
Thế nhưng, theo ông Thành, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền VND, USD…).
Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các khía cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý vẫn phải cố gắng duy trì nhiều giải pháp giữ VND ít mất giá để không nhập khẩu lạm phát. Bởi suy cho cùng, dù biên độ tỷ giá là bao nhiêu, tỷ giá trung tâm thế nào thì vùng mục tiêu tỷ giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nền kinh tế, lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đưa vốn vào Việt Nam để đầu tư...
Đây cũng chính là thông điệp được ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh tại cuộc họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý III/2022. "Khác với các cuộc chiến tiền tệ trước, đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt", ông Quang nói.