Thu hồi tạm ứng vốn quá hạn để nâng cao hiệu quả đầu tư công

Khó khăn trong việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn từ nguồn ngân sách nhà nước đã khiến cho hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công bị hạn chế. Cùng với việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn.

Số dư tạm ứng còn lớn

Là một tỉnh nhỏ nhưng số dư tạm ứng vốn đầu tư công tại Đắk Lắk vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk cho biết, số dư tạm ứng vốn đầu tư công (ĐTC) từ các năm trước chuyển sang năm 2022 tại Đắk Lắk còn gần 2.341 tỷ đồng. Trong đó, số dư ứng ngân sách trung ương là trên 1.067 tỷ đồng; số dư ứng ngân sách tỉnh trên 1.274,6 tỷ đồng; một số dự án còn số dư tạm ứng kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi trên 5,8 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo này, trong năm 2022, số dư nguồn vốn ứng trước chưa được bố trí kế hoạch vốn để thu hồi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn trên 351,7 tỷ đồng.

Tại Hà Tĩnh, tính đến thời điểm cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 114 dự án chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn. Đáng chú ý, có đến 103 tỷ đồng vốn tạm ứng tại 78 dự án nằm trong diện khó thu hồi, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Theo báo cáo từ KBNN Hà Tĩnh, đây đều là những dự án đã nhận tạm ứng từ trước năm 2014.

Việc khó thu hồi tạm ứng vốn đầu tư cũng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh khi KBNN địa phương này cho biết, trong số các tài khoản chủ đầu tư mở tại kho bạc, có nhiều tài khoản có số dư tạm ứng quá hạn về hạng mục giải phóng mặt bằng và xây lắp (chiếm 91% số dư) và chủ yếu ở giai đoạn 2015 - 2020…

Những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tạm ứng vốn ĐTC được các đơn vị KBNN chỉ ra là do mức thu hồi tạm ứng đối với công việc thực hiện thông qua hợp đồng (xây lắp, tư vấn…) còn chưa quy định rõ tỷ lệ; mức phải thu hồi tạm ứng qua từng lần thanh toán, dẫn đến chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất quy định trong hợp đồng mức thu tạm ứng rất thấp.

Hơn nữa, văn bản chế độ quy định về kiểm soát chi đầu tư còn thường xuyên thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nên một số chủ đầu tư chưa cập nhật, nghiên cứu kịp thời dẫn đến tình trạng hồ sơ còn hay sai sót gây khó khăn trong việc kiểm soát thanh toán của kho bạc.

Xác định thu hồi tạm ứng vốn đầu tư là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn ĐTC, các đơn vị KBNN đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để thu hồi nhanh nguồn vốn này. Đơn cử như KBNN TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện ngay các thủ tục hoàn tạm ứng với các dự án có số dư tạm ứng quá hạn đã có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án giãn, hoãn tiến độ, dừng thực hiện, nhà thầu phá sản, chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hay như tại Ninh Thuận, trường hợp dự án chưa có khối lượng hoàn thành và bảo lãnh tạm ứng hết hạn, KBNN Ninh Thuận đề nghị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu gia hạn bảo lãnh tạm ứng để bảo đảm thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng được kéo dài cho đến khi đơn vị đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

Quyết liệt thu hồi tạm ứng, bao gồm cả khởi kiện ra tòa

Mặc dù, các đơn vị KBNN đã rất nỗ lực thực hiện việc thu hồi tạm ứng, nhưng số dư tạm ứng vốn ĐTC vẫn còn khá lớn. Theo báo cáo từ KBNN, số tạm ứng quá hạn tính đến thời điểm hiện nay của các bộ, ngành, địa phương là trên 12.603 tỷ đồng (cao hơn so với thời điểm đến hết ngày 30/6/2022 theo Công văn số 8915/BTC-ĐT ngày 7/9/2022 của Bộ Tài chính là trên 9.373 tỷ đồng).

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, số dư tạm ứng lớn đã làm cho hiệu quả của nguồn vốn ĐTC bị kém đi. Theo đó, Bộ Tài chính vừa tiếp tục có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách nhà nước.

Còn trên 12.600 tỷ đồng vốn tạm ứng quá hạn

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, số tạm ứng quá hạn của các bộ, ngành, địa phương là trên 12.603 tỷ đồng. Trong đó các khoản tạm ứng quá hạn, khó có khả năng thu hồi do các nguyên nhân ban quản lý dự án, chủ đầu tư giải thể; nhà thầu phá sản; dự án đình hoãn, không thực hiện (Bộ Tài chính đã đôn đốc thu hồi tại nhiều văn bản) là trên 634 tỷ đồng. Cụ thể, các bộ, cơ quan trung ương trên 205 tỷ đồng; các địa phương trên 429 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương yêu cầu chủ đầu tư phân loại các hợp đồng có dư tạm ứng quá hạn, báo cáo cụ thể thời gian quá hạn để ưu tiên xử lý, thu hồi tạm ứng. Trên cơ sở xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể của các khoản tạm ứng quá hạn để đề xuất phương án xử lý, căn cứ nội dung hợp đồng đã ký kết và trách nhiệm của từng bên; đồng thời yêu cầu từng chủ đầu tư các hợp đồng có phát sinh tạm ứng quá hạn có giải pháp quyết liệt để thu hồi tạm ứng, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật về dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước.

Cùng với đó, yêu cầu các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại KBNN theo quy định.

Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất thủ tục thanh toán để làm việc với KBNN thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn.

Đối với số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính phối hợp với KBNN tỉnh; chỉ đạo UBND cấp dưới yêu cầu cơ quan tài chính phối hợp với KBNN rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, báo cáo UBND cùng cấp để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn./.

Tin khác