Vinamilk sẽ chỉ gặp may nếu đang có 1 dòng tiền nước ngoài cần giải ngân gấp gáp vào Việt Nam, nhưng lúc này, tiền của khối ngoại đang rút ròng ra khỏi thị trường và chảy về nước Mỹ.
Tổng kết cuộc đấu giá của Vinamilk có thể như thế này: Gia đình đưa cô con gái xinh đẹp nhất đi gả chồng. Nhưng vì thách cưới quá cao nên cuối cùng cũng chỉ có duy nhất 1 cây si đem sính lễ tới ướm…
Những bà mối mát tay như VinaCapital, Morgan Stanley, SSI cũng chẳng thể giúp được gì hơn. 40% lượng cổ phần đấu giá ế ngay phiên đầu tiên, trong khi cũng chỉ có duy nhất F&N thể hiện quyết tâm. Điều này phát ra một thông điệp rất xấu, và có thể làm phá sản những toan tính trước đây của SCIC. Rõ ràng với cơ chế đấu giá khóa tỷ lệ 2,7% tối đa cho mỗi tổ chức, cuộc chơi nên dành cho các quỹ đầu tư tài chính, chứ không phải cái tên quen thuộc F&N.
Chỉ cần đưa thêm được cái tên thứ ba tham gia vào cuộc chơi này, SCIC cũng đã có thể xoa tay hài lòng dù cho mức giá đấu chỉ ở mức sàn đưa ra. Nhưng rốt cuộc, cuộc đấu giá này và có thể cả các cuộc đấu giá sau này, chính phủ Việt Nam mà đại diện ở đây là SCIC bị đẩy vào cuộc đàm phán box 1 – 1 với cổ đông nước ngoài, với nhiều lợi thế không còn thuộc về chúng ta, như cái cách mà bộ Công Thương đang phải ứng xử với Carlberg trong đàm phán Habeco.
Vì sao bị ế?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự không thành công của phiên đấu giá Vinamilk lần này, nhưng tóm lại có 2 điều chủ yếu. Điều đầu tiên là sai từ mục đích. Ai cũng hiểu cuộc đấu lần này và cả giai đoạn thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước sắp tới có mục tiêu là bán tài sản thu tiền về cho ngân sách. Việc đặt mục tiêu như vậy khiến điều quan trọng nhất để quan tâm luôn là giá.
Vậy giá nào là hợp lý cho Vinamilk? Vào thời điểm này là giá 144.000 đồng, hãy tin tôi vì những cái đầu siêu việt tại VinaCapital lẫn Morgan Stanley, và cả SSI nữa hẳn đã phải chạy nhiều model để cho ra mức giá đó. Nhưng đó là giá hợp lý cho market, không phải cho investor. Hẳn nhiên khi một bên nắm rõ mục đích của bên còn lại, họ sẽ chẳng mặn mà gì khi nhìn vào cổ phiếu mà không thấy upside. Vinamilk có thể là cổ phiếu tuyệt vời, tăng trưởng liên tục với vị thế dẫn đầu, nhưng cơ bản vẫn nằm dưới sự điều phối của 1 ông chủ là SCIC. Ai sẽ dám cưới 1 cô gái xinh đẹp nếu như sau này mọi việc vẫn phải răm rắp nghe lời bố vợ?
Việc để lộ bài quá sớm khiến phía Việt Nam trở nên khó xử. Nếu bán cao thì không ai mua, nếu bán thấp thì có nỗi sợ khác về việc làm thất thoát tài sản, nhất là khi đã có giá thị trường làm tham chiếu. Tất nhiên, chúng ta cũng từng thành công khi bán được Bảo Việt ở giá tốt, nhưng những thương vụ thành công như vậy không nhiều.
Sẽ có 2 hướng đi phù hợp vào lúc này. Thứ nhất là thay đổi tư duy. Thay vì hướng tới tối đa hóa giá trị thu lại được, việc lựa chọn người mua nên theo hướng có thể gia tăng thêm giá trị cho sự phát triển của Vinamilk. Mizuho mua Vietcombank là điển hình, sau 6 năm giá trị khoản đầu tư đã tăng gấp đôi, khiến cho cả 2 phía đều hài lòng. Thứ hai, với 40% cổ phần còn nắm giữ tại Vinamilk (sau đấu giá lần 1), SCIC vẫn có quyền lựa chọn một người chơi thứ ba cùng tham gia với F&N, nếu cho họ cơ hội ôm trọn lô cổ phiếu còn lại. Lúc đó cuộc kén rể sẽ vô cùng hứa hẹn.
Nhưng cũng phải nói thật rằng, Vinamilk đã chọn một thời điểm xấu để tiến hành đấu giá. Nếu tôi là quỹ nước ngoài được mời đến roadshow của Vinamilk, có lẽ tôi cũng chỉ hẹn gặp để lấy thêm thông tin, còn việc chuẩn bị một khối lượng tiền lớn như vậy trong thời gian gấp gáp là vô cùng khó khăn. Với những quỹ đã quá hiểu Việt Nam, họ cũng chẳng dại gì giải ngân vào thời điểm cuối năm với giá mua cao hơn thị trường tới 6%, để ảnh hưởng trực tiếp tới performance đã quá tốt của năm nay. Vinamilk sẽ chỉ gặp may nếu đang có 1 dòng tiền nước ngoài cần giải ngân gấp gáp vào Việt Nam, nhưng lúc này, tiền của khối ngoại đang rút ròng ra khỏi thị trường và chảy về nước Mỹ.
Chỉ có 1 điều thành công sau phiên đấu giá sắp tới của Vinamilk. Đó là thông điệp của chính phủ Việt Nam đưa ra rất rõ ràng, quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước đang được thực hiện nghiêm túc và tích cực. Tuy nhiên để thành công các đợt đấu giá tiếp theo, không chỉ của Vinamilk mà còn là Sabeco, Habeco, Mobifone, ACV… sẽ cần một tư duy mềm dẻo hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.
Nguyên Linh/ Trí thức trẻ